Mưu đồ của Trung Quốc sẽ thất bại

PGS Jeffrey W. Hornung và PSG Alexander Vuving ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định như trên trong bài viết trên tạp chíNation Interest (Mỹ) ngày 10-1.

Vừa qua TQ đã tiến hành hàng loạt động thái đáng lưu ý. Sau khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và sử dụng tàu hải quân chặn đầu tuần dương hạm USS Cowpens của Mỹ ở biển Đông, mới đây tỉnh Hải Nam đã buộc tàu cá nước ngoài phải xin phép khi đánh bắt. Ý đồ sâu xa của TQ là tiến hành chiến lược sử dụng các tuyên bố chủ quyền để hất cẳng Mỹ và giành quyền thao túng độc tôn ở Tây Thái Bình Dương.

Có nhiều kịch bản liên quan đến chiến lược này.

Thứ nhất, TQ có thể nói nhưng không có hành động cụ thể để thực thi các tuyên bố chủ quyền và sẽ chờ thời cơ thuận lợi. Nguyên do: TQ e ngại hành động cứng rắn sẽ bị quốc tế chỉ trích và các nước láng giềng có lý do để củng cố tiềm lực quân sự. Nếu TQ không hành động, giá trị của các tuyên bố chủ quyền sẽ bị xói mòn và điều này có nghĩa là Mỹ vẫn thống trị khu vực.

Thứ hai, TQ có thể thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền bằng hành động đe dọa vũ lực nhưng không thành công. Như vậy cho dù xây dựng chương trình hiện đại hóa quân sự, Trung Quốc thật ra cũng chỉ là con hổ giấy.

Thứ ba, TQ tiến hành các hành động khẳng định các tuyên bố chủ quyền và thành công thông qua chiến dịch quân sự hay chiến thuật “cắt lát xúc xích” (sử dụng các hành động nhỏ để thay đổi nguyên trạng lãnh thổ và lãnh hải). Với sức mạnh quân sự ngày càng tăng, TQ dễ dàng chiến thắng trong xung đột ở biển Đông hoặc biển Hoa Đông. Tuy nhiên, TQ sẽ sớm nhận ra phải trả cái giá rất đắt.

Khi TQ phát động tấn công quân sự, Mỹ, Nhật và nhiều nước sẽ có phản ứng quân sự và ngoại giao. TQ sẽ bị xem là quân xâm lược. Nếu Mỹ trừng phạt kinh tế Trung Quốc với sự tham gia của Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, EU thì kinh tế TQ chắc chắn sẽ thấm đòn nặng. Ngoài ra, các nước ở biển Đông cũng có thể sẽ thiết lập quan hệ đồng minh quân sự với Nhật. Sau đó, liên minh này sẽ phối hợp với liên minh Mỹ cùng Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Úc để hình thành một phiên bản NATO ở Tây Thái Bình Dương chống TQ.

Như vậy xem ra chỉ còn chiến thuật “cắt lát xúc xích” là hứa hẹn nhất. Song dù chiến thuật này có thể ngăn chặn nguy cơ hình thành liên minh chống TQ nhưng cũng không thể ngăn chặn tiến trình liên kết không chính thức giữa các nước có tranh chấp lãnh thổ với TQ nhằm ngăn chặn và kiềm chế chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm