Tân tổng thống Zimbabwe có mang tới sự thay đổi?

“Tôi, Emmerson Dambudzo Mnangagwa, xin thề với cương vị là tổng thống của nước Cộng hòa Zimbabwe, tôi sẽ trung thành với Zimbabwe, tuân thủ, giữ gìn và bảo vệ hiến pháp và luật pháp của đất nước” - ông Mnangagwa tuyên thệ.

Trong quãng thời gian làm việc cho ông Mugabe, ông Mnangagwa từng đứng đầu cơ quan tình báo, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Trong nhiều năm qua, người ta nói vị quan chức 75 tuổi chỉ nằm yên chờ mồi như một con cá sấu và sẵn sàng lên thay thế ông Mugabe khi có cơ hội. Ông từng là cánh tay phải đắc lực cho cựu Tổng thống Robert Mugabe. Ông đã chứng kiến những thăng trầm trong mấy chục năm qua của Zimbabwe và giờ là sự sụp đổ của “triều đại” suốt 37 năm qua của ông Mugabe. Giờ đây ông Mnangagwa đứng trước câu hỏi liệu ông có thể mang đến những thay đổi thật sự cho Zimbabwe hay sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.

Nhiều người mong muốn tân tổng thống sẽ không phớt lờ những đau khổ mà hàng triệu người Zimbabwe từng chịu đựng những năm qua. Lãnh đạo đảng đối lập Morgan Tsvangirai bày tỏ hy vọng Zimbabwe sẽ nằm trên một con đường mới. 37 năm cầm quyền của ông Mugabe cũng là từng ấy thời gian ông Mnangagwa góp mặt trong nhiều quyết định. Ông được cho đã có vai trò trong cuộc thảm sát Matebeleland khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng khi ông Mugabe đàn áp đẫm máu nhóm phiến quân ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Joshua Nkomo vào những năm 1980. “Nói chính xác, ông Mnangagwa không phải là một gương mặt mới mẻ. Ông ấy đã đồng hành cùng ông Mugabe từ năm 1976” - nhà sử học người Úc Stuart Doran nói.

Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay chính là quá khứ của vị tân tổng thống. Nếu thật sự muốn mang đến một “nền dân chủ rộng mở” cho người dân Zimbabwe như ông đã nói, vị tân tổng thống cần cho thấy được ông sẽ dẫn dắt đất nước bằng những chính sách hiệu quả khác biệt với người tiền nhiệm 93 tuổi. Ông Mugabe, phu nhân Grace và cơ đồ chính trị của họ đều đã chấm dứt nhưng liệu Zimbabwe, đất nước lạm phát đến mức người dân mang tiền tỉ chỉ để mua một ổ bánh mì, sẽ có những thay đổi tận gốc hay không, điều đó còn phải chờ câu trả lời của ông Mnangagwa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.