Hồi tháng 7, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đặt mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp AI nội địa trị giá gần 150 tỉ USD trong vài năm tới và hướng tới mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành trung tâm cải tiến công nghệ của thế giới vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn một báo cáo ngày 1-12 của Viện nghiên cứu Tencent (TRI, Trung Quốc) cho hay Trung Quốc hiện gặp tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng để thực hiện hoài bão trở thành một lãnh đạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo dài 73 trang của TRI cho biết hiện trên toàn cầu có khoảng 300.000 nhân tài về AI trong khi nhu cầu thật sự mà ngành công nghiệp này đòi hỏi nằm ở con số hàng triệu. Cuộc cạnh tranh càng ác liệt khi có ít hơn 1.000 người được đánh giá có đủ năng lực lèo lái quá trình nghiên cứu và phát triển AI.
Du khách tham dự Triển lãm và Hội nghị về Trí tuệ nhân tạo (AIEC) lần thứ nhất ở Nhật Bản hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: EPA
Mỹ hiện dẫn đầu so với các quốc gia khác xét về cả số lượng và chất lượng của các nhân tài AI. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không thể giải quyết vấn đề thiếu nhân tài ngay tức khắc mặc dù nước này đã đưa AI trở thành một ưu tiên cấp quốc gia.
Trước báo cáo của TRI, nhiều cảnh báo đã được đưa ra về cuộc đua Mỹ-Trung trong lĩnh vực AI. Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) đánh giá: “Trung Quốc hiện không còn ở vị trí yếu kém hơn Mỹ về công nghệ, mà thay vào đó đã trở thành một đối thủ thật sự có khả năng vượt mặt Mỹ về AI”.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng đầu tư nhiều dự án liên quan tới AI. Các viện nghiên cứu AI đang trở thành đối tác của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Ông Zhang Tong, người đứng đầu phòng nghiên cứu AI của Tencent, phát biểu tại một diễn đàn trong năm nay. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chọn các công ty Baidu, Alibaba, Tencent và iFlyTek trở thành những thành viên đầu tiên của đội nghiên cứu AI cấp quốc gia. Ảnh: SCMP
Báo cáo của TRI cho biết 1/3 nhân tài AI hiện có đang có mặt tại 367 trường đại học trên khắp thế giới. Mỹ chiếm 46% trong số những trường này trong khi Trung Quốc chỉ có 20 trường đại học nghiên cứu AI. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có năng lực nghiên cứu AI yếu hơn vì nước này xúc tiến AI chậm hơn nhiều so với Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ không chỉ dẫn đầu về nghiên cứu AI mà còn có số lượng công ty nghiên cứu AI nhiều nhất thế giới. Các công ty công nghệ lớn ở cả hai quốc gia, gồm Google hay Facebook ở Mỹ và Tencent hay Baidu ở Trung Quốc, đã đầu tư hàng tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI. Tuy nhiên, Mỹ có số công ty nghiên cứu AI chiếm tới 41% trong khi con số này của Trung Quốc là 22,6%.
Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ liên quan tới AI được mong đợi sẽ giúp tăng sản lượng kinh tế toàn cầu lên thêm 14% vào năm 2030, tức tương đương thêm 15,7 ngàn tỉ USD.
Và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo ước tính sẽ có sản lượng kinh tế tăng thêm 26% vào thời điểm này. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu nhân tài như trên, giấc mơ lãnh đạo toàn cầu về AI của Trung Quốc có thành hiện thực hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.