Ai là ‘cha đẻ’ hát với nhau?

Từ khi nào nó có? Nó đến từ đâu, ý tưởng nào? Tại sao nó lại xuất hiện và sống được hết sức tự nhiên như… Một trong những sự kiện đó là phong trào hát với nhau (HVN).

Trước hết HVN cũng giông giống như hát karaoke nhưng “trình” hơn. Trên màn hình hay tập nhạc chỉ có lời và người hát phải lên sân khấu đứng nhìn xuống khán giả như ca sĩ. Phía sau lưng họ là một vài nhạc công chơi đàn organ, guitar, có nơi còn có cả nhạc công thổi saxophone hoặc ngồi bên giàn trống hoành tráng. Lần đầu tiên, ai yếu bóng vía đứng trên bục sân khấu là run đến hát không nổi nhưng chỉ cần hát vài lần là quen ngay vì không khí thân thiện. Hát hay được khán giả vỗ tay, mà hát dở thì cũng được khán giả… vỗ tay. Vì khán giả cũng sẽ là người sắp lên hát theo thứ tự đăng ký.

Trong phạm vi bài này, tôi không đề cập đến những mặt không tốt của chuyện HVN như hát bất kể không gian, thời gian, bất chấp đến sự khó chịu, hát như tra tấn lỗ nhĩ của người khác trong đám cưới, đám ma vào những lúc bà con ai cũng cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, hoặc biến tướng HVN có “em gái” ngồi kèm. Loại bỏ những yếu tố không hay kể trên, hiện nay có nhiều điểm HVN trong TP có sân khấu, âm thanh hoành tráng, ấm cúng, lịch sự không thua gì sân khấu chuyên nghiệp. Trước đây có quán HVN Arnold trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà thành phần ban nhạc là những nhạc công lớn tuổi (trong đó có nhạc sĩ Y Vũ - cha đẻ bài Tôi đưa em sang sông) chơi rất hay. Đôi lúc, một vài người khách lên sân khấu, tham gia chơi kèn saxophone hay đàn cùng ban nhạc. Trên các sân khấu HVN có rất nhiều giọng ca trẻ, già, sồn sồn hát hay và nhiều người hát hay hơn ca sĩ chuyên nghiệp. Bởi lẽ họ hát vì yêu âm nhạc, trải nỗi lòng chứ không phải hát vì tiền, vì danh. Có người tổ chức sinh nhật của mình tại một quán HVN. Khi vui họ đi HVN và khi buồn cũng đi HVN cho vui. Có những cặp vợ chồng lớn tuổi thường hát song ca bài ca kỷ niệm Ngôi nhà tình ái. Có khi họ đi cùng một đám đông. Có những người cô đơn đến quán hát một vài bản nhạc yêu thích rồi “dìa”. Mỗi người đều có bài hát tủ của mình. Già già, sồn sồn thì có những bài tình ca của Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên (tất nhiên là những bài hát được phép phổ biến) hoặc nhạc đỏ, tiền chiến. Tre trẻ thì có những bài “hit” mà các ca sĩ trẻ đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc ăn liền. Có người thì đã thu sẵn nhạc đệm cho mình vào CD (như ca sĩ chuyên nghiệp nhưng không hề hát nhép). Có người thì ôm nguyên một tập bài nhạc tuyển chọn của riêng họ vì họ sợ quán HVN không có sẵn. Những người hay đi HVN không thích hát karaoke. Hát có chữ, chạy theo chữ người ta không diễn tả được cảm xúc, nhấn nhá, hay phá trường độ của nốt nhạc khi cảm hứng lên cao hay không thể khoe hơi dài.

Một điều hết sức bất ngờ cho tôi khi biết được rằng HVN bắt đầu từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của đoàn Thanh niên. Báo Tuổi Trẻ số ra 28-3-1982 có đăng bài Giới thiệu một loại hình sinh hoạt mới: Hát với nhau” của tác giả Thanh Tâm với nội dung (trích lược) như sau: “Ở một góc sân bóng chuyền Nhà văn hóa Thanh niên, một sân khấu nho nhỏ với tấm phông đơn giản “Hát với nhau - Mừng Đảng quang vinh”. Một ban nhạc đệm cho một người hát, âm thanh khá tốt, sẵn sàng phục vụ. Nhiều lượt khán giả đến đăng ký ở ban tổ chức rồi lên sân khấu hát một cách nhiệt tình, say sưa và sôi nổi… Nếu có những bạn lên hát thoải mái, chủ động do đã quen sinh hoạt phong trào tại cơ sở thì cũng có những bạn cầm micro hát với sự xúc động thật sự của một người lần đầu bước lên sân khấu. Qua bốn đêm sinh hoạt đã có gần 200 người lên sân khấu với 124 tiết mục… HVN là một loại hình hoạt động văn hóa mới mẻ, phong phú của CLB âm nhạc Nhà văn hóa Thanh niên”.

Đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được bài báo nào viết về phong trào HVN phủ định bài viết này - một bài viết đã dùng ba chữ “Hát với nhau” vào năm 1982 (nghĩa là có trước cả karaoke) để giới thiệu một loại hình sinh hoạt mới cho phong trào thanh niên. Trước hết là nhằm đưa những bài ca cách mạng đến với công chúng thanh niên. Có cần phải khen người Sài Gòn - TP.HCM vô cùng sáng tạo trước hết trong phong trào văn nghệ thanh niên, gói gọn trong một cuộc thi nhỏ ở Nhà văn hóa Thanh niên, sau này đã trở nên phổ biến rộng rãi khắp cả nước và đến cả khu người Việt ở khu Little Sài Gòn (Bolsa - California)!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm