Đôi khi sức công phá khủng khiếp của lời nói vẫn không hẳn được nhiều người chú ý, nhất là chốn nghị trường trong các phiên tường thuật trực tiếp.
Ngày 9-6, đại biểu Lê Thị Yến phát biểu về tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế và nhấn mạnh: “Đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập”. Phát ngôn này lập tức bị Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam gửi công văn phản đối. Bởi họ cho rằng khi dùng từ “đặc biệt” thì có nghĩa là các cơ sở ngoài công lập trở thành một “đối tượng khác hẳn, bất thường” trong việc trục lợi bảo hiểm y tế.
Cũng tương tự thế, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, khi các đại biểu đang tranh cãi về nợ xấu thì lập tức một số hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra quốc tế bị ép giá.
Tuy vậy, còn một vấn đề khác nữa liên quan đến tính chuẩn mực của Quốc hội. Đại biểu Huỳnh Cao Nhất của Bình Định khi chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị cho biết giải pháp để khách du lịch “vào sâu, ở lâu, ra chậm”.
Nghị trường cười nghiêng ngả. Bởi câu hỏi khá hài hước. Sự hài hước thì ở đâu cũng cần khuyến khích nhưng sự hài hước mà đại biểu Huỳnh Cao Nhất đưa ra trên nghị trường vừa rồi có lẽ là sự hài hước… cao nhất trong kỳ này. Bởi trước đó chuyện “chiếc nón lá, nón bài thơ” và “truyền đạt trách nhiệm cho bộ trưởng kế tiếp” của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh mới là đỉnh cao của hài hước nghị trường.
Tuy vậy, dù văn hóa nghị trường không phải không có chỗ cho hài hước nhưng có lẽ nó cần sự hài hước trong chuẩn mực. Hài hước một cách… đứng đắn! Bởi nếu không, mỗi lời nói hài hước sẽ là một “đọi máu”, phá hủy tính trang nghiêm của nghị trường.