Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, ngày 24-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết như trên.
Đợt khảo sát diễn ra bốn ngày
Theo đó, hôm nay (25-7), ông sẽ trực tiếp báo cáo cho Bộ TN&MT kết quả sơ bộ khảo sát, đánh giá lại hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát tại Bình Thuận.
Theo đề nghị của bộ trưởng Bộ TN&MT, Viện Hải dương học Nha Trang đã cử đoàn công tác với chín chuyên gia, nhà khoa học của viện thực hiện đợt khảo sát kéo dài bốn ngày trong phạm vi 30 ha tại vùng biển trên. Đoàn khảo sát đã thực hiện bốn nội dung chính gồm đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích; lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích.
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học còn lấy mẫu ngẫu nhiên để đối sánh. “Hiện anh em vẫn đang xử lý số liệu, tổng hợp kết quả nên chưa thể đưa ra nhận định gì” - ông Tuấn trả lời khi PV đề nghị cung cấp thông tin kết quả ban đầu của đợt khảo sát.
Trước thắc mắc của nhiều chuyên gia xung quanh việc Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm trước rồi mới tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng nền đáy vùng biển sau, ông Tuấn nói rằng Viện Hải dương học là cơ quan tư vấn độc lập, làm theo yêu cầu của Bộ TN&MT nên ông không có ý kiến.
Nhiều nhà khoa học và người dân Vĩnh Tân lo ngại việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống khu vực gần Khu bảo tồn Hòn Cau sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái nơi đây, cũng như đời sống của người dân. Ảnh: NGÔ ĐÌNH HÒA
Yêu cầu dừng dự án, trả lời dư luận
Trong một diễn biến khác, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 24-7, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, tiếp tục bác bỏ việc lãnh đạo Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trả lời báo chí rằng “trước đây có mời ông tham gia dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét nhưng sau đó ông không thể tham gia vì lý do sức khỏe”.
“Một lần nữa, tôi khẳng định là từ trước đến nay chưa có bất cứ một đơn vị, cá nhân nào liên lạc hay mời tôi tham gia dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Thực tế, tôi cũng chưa bao giờ tham gia bất cứ một khâu nào của dự án. Tôi theo dõi báo chí, thấy lãnh đạo công ty này nói trong giai đoạn ban đầu khi xây dựng dự án, đơn vị tư vấn lúc đó là Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam có mời tôi tham gia là hoàn toàn sai sự thật. Qua đọc báo, tôi cũng thấy tổng giám đốc đơn vị tư vấn sau đó của dự án là Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam nói rằng do kế thừa dự án nên không kiểm tra, không biết là hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm…” - TS An nói.
Cũng theo TS An, khi mời một nhà khoa học tham gia dự án, đơn vị đó phải thỏa thuận, có văn bản cam kết của nhà khoa học. Trước khi thẩm định nội dung dự án, cơ quan thẩm định, cấp phép phải kiểm tra hồ sơ hành chính của dự án, trong đó bắt buộc phải có văn bản cam kết của những người tham gia để phòng, chống việc giả mạo, tránh việc không làm nhưng ghi tên vào. Sau đó hội đồng thẩm định mới xét nội dung dự án.
“Với tư cách một nhà khoa học bị mạo danh đưa tên vào dự án này, tôi kiến nghị Bộ TN&MT dừng ngay việc thực hiện dự án này vì nó được lập một cách gian dối. Tôi yêu cầu Bộ TN&MT trước mắt phải làm rõ tất cả biểu hiện bất minh của dự án này, trả lời công khai trước dư luận” - TS An nói.