Con số đó phản ánh kết quả của hàng loạt chính sách tích cực từ việc ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ người nghèo, tạo công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe và sâu xa hơn cả đó là sự chung tay của cộng đồng góp vào các nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo. Con số đó còn cho thấy tự thân nhiều người nghèo bứt phá để vươn lên thoát nghèo. Chuyện anh Nguyễn Văn Mỹ ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo trong năm qua để nhường suất nghèo cho hộ khác, để con cháu không phải xấu hổ vì nhà có sổ nghèo chỉ là một trong số ít những điển hình đó.
Tuy nhiên, vẫn còn đó câu chuyện buồn của hai năm về trước, khi chị Mỹ Nhân ở TP Cà Mau đã tự tử vì tuyệt vọng khi bản thân bị suy thận, suy tim lâm vào gia cảnh cùng cực vẫn không được xét vào hộ nghèo để được hỗ trợ chỉ vì có thu nhập trên chuẩn nghèo. Vẫn còn đó số hộ tái nghèo còn lớn, tỉ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số cao, lên đến 50%...
Muốn giảm nghèo bền vững phải phân loại hộ nào nên cho con cá, hộ nào nên cho cần câu. Với những hộ như hộ chị Mỹ Nhân thì cần phải cho con cá để tiếp sức trước đã. Đa phần các hộ nghèo còn lại rất nên cho cần câu. Họ cần được tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư cho giáo dục, dạy nghề… Một khi người nông dân có kiến thức thì họ biết làm gì trên “luống cày” của mình. Trước đây, trong quá trình làm công tác xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Thành Tài, lúc đó là Trưởng ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP.HCM có đến một xã vùng sâu để khảo sát và tìm ra nguyên nhân nhiều họ ở đó cứ nghèo mãi. Lý do là họ nhậu suốt ngày nên giải pháp đưa ra là phải làm sao cho họ có công ăn việc làm, tránh xa những ly rượu thì mới mong thoát nghèo được. Và lời giải của bài toán này đã thành công là bên cạnh sự hỗ trợ vốn thì nâng cao năng lực tự thân của người dân ở đó, nhiều hộ nơi đó thoát nghèo.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề nghèo đa chiều bởi chuyện nghèo dựa vào thu nhập chưa phản ánh được đầy đủ cuộc sống của người nghèo. Trên thực tế có rất nhiều hộ gia đình không nghèo về thu nhập (có thu nhập bình quân trên chuẩn nghèo) nhưng họ vẫn nghèo về tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác như tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, nước sạch, nhà ở và các dịch vụ xã hội hòa nhập khác.
Nước ta sẽ thực hiện theo chuẩn nghèo mới từ năm 2016. Theo đó, chuẩn nghèo mới không chỉ tính về thu nhập mà còn cả vấn đề việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục, điều kiện tiếp cận thông tin… Tin vui đã lóe lên khi một số địa phương đang thực hiện thí điểm phương pháp giảm nghèo đa chiều này ở một số quận, huyện. Mong rằng từ đây đến đó không có hộ nào ỷ lại, trông chờ không chịu thoát ra khỏi sổ hộ nghèo dù đã đủ điều kiện, cũng không có hộ nào thật sự nghèo mà bị gạt ra khỏi diện hộ nghèo vì thành tích thoát nghèo của địa phương. Có vậy mới thực hiện được mong muốn của Thủ tướng: “Không có mục tiêu nào khác là lo cho dân, phục vụ nhân dân và muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo”. Mà để người nghèo (và cả người không nghèo) yên dạ thì không có cách nào khác hơn là phải giảm nghèo bền vững.