Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm nghèo bền vững ngày 16-1.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, các chính sách giảm nghèo hiện hành vẫn còn bất cập, chưa thực sự dựa trên nhu cầu của người cần hỗ trợ. Hầu hết giải pháp giảm nghèo được đề xuất và thiết kế ở cấp quốc gia trong khi tất cả hoạt động giảm nghèo từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất… đều thực hiện tại cấp cơ sở, thôn bản nên các chính sách ban hành khó tiếp cận và phù hợp với địa phương.
“Tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo dường như tăng lên, hỗ trợ nhiều bằng tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể dẫn đến tình trạng sử dụng các nguồn hỗ trợ không đúng mục tiêu đề ra, tình trạng không muốn thoát nghèo của một số hộ và địa phương” - ông Đàm nói. Theo ông Đàm, năm qua tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương đã bố trí hơn 6.240 tỉ đồng.
Trước tình trạng này, tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm nghèo đã xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đây là phương pháp mới đang được các tổ chức quốc tế và một số quốc gia nghiên cứu chuyển đổi. Dự kiến năm chiều được đưa ra đánh giá bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh), tiếp cận thông tin.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hướng tiếp cận nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững là việc làm nhân văn. Do vậy cần rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5% một năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 3%-4%. “Khi nguồn lực từ ngân sách có hạn, cần vận động ủng hộ từ xã hội và thực hiện phương châm tăng cho vay, giảm cho không. Cho vay có thể áp dụng hình thức không lãi suất hoặc lãi suất nhẹ mang tính tượng trưng” - Phó Thủ tướng nói.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, hộ nghèo năm 2015 là những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ mức sống tối thiểu trở xuống - 1,3 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị và 1 triệu đồng/người/tháng khu vực nông thôn và thiếu hụt từ 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản trở lên. |