Trung tâm hành chính: Biểu tượng quyền lực hay không gian giao tiếp?

Có điều gì cần bàn về quan niệm này trong bối cảnh cải cách mở rộng dân chủ của đất nước, đối chiếu với tiến hóa trong quan niệm kiến trúc công sở hiện đại. Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn trả lời phỏng vấn.

. Phóng viên: Một số tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào khai thác các trung tâm hành chính (TTHC) như Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Vũng Tàu… TP.HCM cũng đang chuẩn bị mặt bằng để xây dựng TTHC mới. Theo ông, việc này có thực sự cần thiết trong bối cảnh đất nước ta hiện nay còn nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn?

Trung tâm hành chính: Biểu tượng quyền lực hay không gian giao tiếp? ảnh 1
 
+ KTS Ngô Viết Nam Sơn- chuyên gia về kiến trúc đô thị: Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, với cơ cấu hành chính và luật pháp đang được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, nhất là từ khi bắt đầu hội nhập quốc tế thì việc tổ chức các TTHC cho các đô thị lớn lại rất cần thiết. Bởi nó giúp các cơ quan thường xuyên đối thoại trực tiếp và hợp tác hiệu quả với người dân và với nhau trong việc thực hiện các chiến lược và chiến thuật phát triển đô thị và trong việc giải quyết mau chóng các thủ tục hành chính công cho người dân.

Đã hết thời kín cổng cao tường

. Một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu khi thiết kế các tòa nhà này là phải tạo ra sự thân thiện với người dân. Theo ông, các TTHC đã xây dựng có đáp ứng được yếu tố này chưa?

+ Công tác thiết kế TTHC của các tỉnh, TP còn khá mới ở Việt Nam. Do đó cần tham khảo các mô hình đã thực hiện thành công trên thế giới để ứng dụng một cách chọn lọc cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các TTHC đã xây dựng tại Việt Nam trong vài năm gần đây thường được thiết kế bởi các kiến trúc sư nước ngoài với kiến trúc hiện đại và đẹp. Nhưng thẳng thắn mà nói thì trong phần lớn các dự án, không gian quy hoạch kiến trúc vẫn chưa thật sự thân thiện với người dân và chưa thể hiện được bản sắc Việt. Những thiếu sót này cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch, kiến trúc trong việc phản biện tại các cuộc thi thiết kế TTHC để tư vấn tốt hơn những gì nên làm cho TP.

. Như vậy, một tòa nhà TTHC nên thiết kế và bố trí không gian như thế nào để không chỉ là một nơi giải quyết các thủ tục hành chính mà còn là không gian giao tiếp thân thiện của cộng đồng?

+ Theo quan niệm tiên tiến hiện nay, TTHC không còn là nơi trang nghiêm khó gần, kín cổng cao tường, thường đóng cửa tắt đèn ngoài giờ hành chính. Nó phải trở thành không gian giao tiếp thân thiện giữa người dân và chính quyền, không gian xanh đô thị thuận tiện cho người đi bộ, không gian chung của cộng đồng và không gian điểm nhấn đô thị với các hoạt động đa dạng vào ban ngày và ban đêm.

Khu đất chuẩn bị xây trung tâm hành chính TP.HCM, kinh phí tổ chức thi tuyển phương án thiết kế quy hoạch dự án này là 1,2 tỉ đồng.  (Ảnh chụp chiều 16-8) Ảnh: HTD

Một khu đô thị TTHC của một TP lớn cần phải có các thành phần cơ bản sau:

- Khu hành chính công, là nơi đặt văn phòng UBND và HĐND TP, các sở và ban ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc TP và sở.

- Khu dịch vụ công kết nối tốt với khu hành chính công bao gồm bộ phận “một cửa” cho các đơn vị, là nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công miễn phí (thông thường) hoặc có phí (nhanh chóng), đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của người dân.

- Khu quảng trường TTHC, vừa là không gian xanh yên tĩnh trong giờ hành chính, vừa là không gian xanh đa dụng phục vụ các sinh hoạt cộng đồng ngoài giờ hành chính và cũng là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời thường xuyên của TP hằng năm (mừng lễ, tết, mít tinh, tuyên dương, khen thưởng,…).

- Khu hỗn hợp đa chức năng bao gồm các văn phòng dịch vụ tư, khu thương mại và ăn uống. Khu này cũng có thể bố trí cụm công trình hội nghị quốc tế với hội trường đa dụng có thể biểu diễn nghệ thuật, khách sạn cao cấp, khu triển lãm,… Khu dịch vụ thương mại cao cấp đa chức năng này thường được xây dựng và vận hành từ nguồn vốn tư nhân và xã hội hóa thay vì từ nguồn vốn ngân sách như các khu khác, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người đến giao dịch và người làm việc tại TTHC.

Có một số thiếu sót có thể thấy rõ tại các công trình đã xây mà chúng ta nên rút kinh nghiệm khi xây dựng các TTHC mới. Cụ thể, không nên quá chú trọng vào việc giải quyết chức năng khu hành chính công mà coi nhẹ việc dự kiến tổ chức thêm các khu dịch vụ công, khu quảng trường TTHC và khu hỗn hợp đa chức năng, kết nối với nhau để không bỏ qua cơ hội hình thành dần một khu đô thị hành chính hoàn chỉnh, tiện lợi cho người làm việc tại đó và người đến giao dịch.

Nên chú ý xây dựng không gian quy hoạch kiến trúc thân thiện cho việc giao tiếp với người dân hơn, bao gồm việc tổ chức dây chuyền hoạt động, kết nối với không gian đi bộ ngoài công trình, tổ chức không gian xanh và không gian sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức tốt hơn không gian các đầu mối kết nối các loại hình giao thông với nhau, với khu vực xung quanh và với các nơi khác trong TP để người dân từ mọi nơi trong TP có thể đến TTHC một cách thuận tiện, mau chóng. Cuối cùng là dự trù đủ không gian cho phát triển tương lai, đáp ứng với nhu cầu về quy mô tăng dần theo quá trình phát triển lớn mạnh của TP.

Quan trọng nhất vẫn là thái độ tiếp dân

. Đa số các tòa nhà TTHC hiện nay có quy mô rất hoành tráng và hiện đại. Nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo chưa hề biết đến thang máy, các hệ thống điều khiển tự động, bấm số thứ tự… nên ngại đến giao dịch. Như vậy, vô tình chính sự hoành tráng này khiến khoảng cách giữa người dân và chính quyền xa hơn?

+ Việc xây dựng TTHC không phải là để có một cụm công trình hoành tráng, mang tính phô trương trong khi thực tế vận hành vẫn tổ chức theo quan niệm cũ. Quan trọng là chính quyền phải đổi mới tư duy hành chính song song với tư duy tổ chức không gian, sao cho đáp ứng được nhu cầu làm việc, giao tiếp và hợp tác. Như vậy TTHC mới sẽ giúp phát triển đô thị được tốt hơn, giúp phục vụ người dân tốt hơn, giúp người dân gắn bó hơn với nhà cầm quyền cũng như với sinh hoạt cộng đồng địa phương.

Cũng cần phải nói thêm rằng bất kỳ công trình hiện đại nào, người dân cũng cần có thời gian để làm quen và thích nghi. Tôi cho rằng việc này không quá khó, chỉ cần họ được hướng dẫn tận tình, 1-2 lần sẽ quen thôi.

. Có nghĩa là dù có hiện đại thế nào đi nữa nhưng chính quyền luôn thân thiện, cởi mở thì khoảng cách giữa người dân và chính quyền của họ sẽ được xóa bỏ?

+ Đúng vậy. Quan trọng nhất vẫn là thái độ tiếp dân của cán bộ. Đối với các tòa nhà TTHC, việc tổ chức không gian khu làm việc giao tiếp thường xuyên với dân nên ưu tiên bố trí ở tầng trệt, tầng lửng hoặc lầu một. Để người dân không bị ngợp trước các phương tiện hiện đại của tòa nhà, cần có bộ phận hướng dẫn, giới thiệu rõ ràng. Có thể qua các quầy hướng dẫn, các tờ hướng dẫn, bảng chỉ dẫn. Nên bố trí bộ phận nhân sự hướng dẫn trực tiếp cho người dân, đặc biệt là cho người già và người tàn tật.

. Xin cảm ơn ông.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm