Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ công do Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 20-8, ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định đều cho biết tỉ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng với các dịch vụ công tại các địa phương này đều trên 80%. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng các dịch vụ công hiện nay chỉ thỏa mãn mức độ hài lòng của người dân chỉ bằng 1/2 những con số ấy.
Người dân hài lòng cao là chưa hợp lý
Tuy mỗi tỉnh chọn lựa các dịch vụ công khác nhau để khảo sát với số lượng mẫu khảo sát trên dưới 1.500 mẫu nhưng điều bất ngờ là cả ba tỉnh đều cho ra chung một kết quả rất lạc quan, phần lớn người dân đều hài lòng với các dịch vụ công hiện nay.
Đứng đầu là Bình Định với tỉ lệ người dân hài lòng về các dịch vụ ở hai lĩnh vực được khảo sát (nhà đất và y tế) lên đến hơn 90%. Kết quả khảo sát tại tỉnh Phú Thọ cũng cho thấy phần lớn người dân hài lòng với các dịch vụ công của tỉnh với tỉ lệ 86%. Con số đó của Thanh Hóa (khi thực hiện khảo sát trên bốn lĩnh vực đất đai, xây dựng, văn hóa và y tế) cũng trên 80%.
Đáng lưu ý là trong lĩnh vực đất đai, bấy lâu nay người dân vẫn ngán ngẩm vì thủ tục rườm rà và “bị hành nhiều nhất” nhưng con số khảo sát ở ba tỉnh này cho thấy tỉ lệ người dân lại rất hài lòng (tỉ lệ 80%-90%).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng các dịch vụ công đang còn những hạn chế nhất định và khảo sát nó người dân hài lòng cao chưa hợp lý. “Hiện nay các dịch vụ công chỉ mới thỏa mãn được khoảng 40% sự hài lòng của người dân” - ông Dĩnh nhận định. Theo ông Dĩnh, chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 các dịch vụ công thỏa mãn 60% sự hài lòng của người dân và đến năm 2020 con số đó là 80%.
Ông Dĩnh cũng cho biết sắp tới Bộ Nội vụ sẽ đánh giá chung trên cả nước mới cho được con số đầy đủ hơn. Cụ thể Bộ Nội vụ sẽ thực hiện khảo sát trên phạm vi cả nước với sáu lĩnh vực: Ba lĩnh vực cấp huyện là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và chứng minh nhân dân. Ba lĩnh vực ở cấp xã là đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. “Đây là sáu lĩnh vực có nhiều giao dịch và tác động trực tiếp nhiều nhất đến người dân…” - ông Dĩnh nhấn mạnh.
Thuê “cò” còn phổ biến
Tỉ lệ người dân hài lòng cao là như thế, tuy nhiên qua khảo sát, người dân cũng chỉ ra hiện tượng thuê “cò” làm thủ tục trong quá trình giao dịch với cơ quan công quyền vẫn còn diễn ra nhiều và có tình trạng cán bộ, công chức nhận phong bì.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho hay trong quá trình khảo sát, hiện tượng người dân thuê dịch vụ, môi giới là khá phổ biến.
Đại diện tỉnh Phú Thọ cũng cho hay kết quả khảo sát cho thấy 29% cá nhân và tổ chức thực hiện các dịch vụ làm theo chỉ định của cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. “Đây là một hình thức rất dễ làm nảy sinh tiêu cực, gây khó khăn, sách nhiễu người dân từ phía cán bộ, công chức” - đại diện tỉnh Phú Thọ lưu ý.
Ngoài ra, kết quả khảo sát của tỉnh Phú Thọ còn cho thấy có 6,9% lượt cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, tương ứng 109 lượt cán bộ, công chức nhận phong bì. Trong đó, loại hình dịch vụ cấp giấy phép xây dựng có tỉ lệ cao nhất 9,2%. Tuy nhiên, khảo sát lại cho rằng nguyên nhân chủ yếu do thói quen của người dân chiếm trên 80%, gợi ý của cán bộ chỉ chiếm 11,7% và 7,4% gợi ý của người trung gian.
THU HẰNG