“Thiết lập lại hệ thống trạm cân để xử lý xe quá tải sẽ đụng chạm đến lợi ích cục bộ nên nhóm lợi ích này sẽ làm mọi cách, kể cả biện pháp tiêu cực để phá. Nếu lãnh đạo quản lý quyết tâm bảo vệ lợi ích xã hội thì trạm cân sẽ trụ vững. Ngược lại, lãnh đạo thiếu bản lĩnh, không chịu được áp lực thì trạm cân sẽ bị phá sản” - ông Lê Ngọc Tiến, nguyên Chánh Thanh tra Cục Đường bộ, tác giả của nhiều đề án khôi phục trạm cân nói.
Đã có dấu hiệu bất ổn
Theo ông Tiến, việc xử phạt xe quá tải để bảo vệ cầu đường là chủ trương mà bất kỳ ai làm trong ngành giao thông cũng biết là đúng. Tuy nhiên, không phải lãnh đạo nào cũng có được quyết tâm và vượt qua được những sức ép từ doanh nghiệp, lái xe và những người có liên quan. “Khi tôi ủng hộ trạm cân cũng chịu nhiều sức ép. Có những lần đi họp, lãnh đạo Cục còn dặn dò tôi không được nói về trạm cân vì sợ làm mất lòng cấp trên… Lúc ấy có những cuộc họp tôi nêu ý kiến là phải duy trì hoạt động của các trạm cân, sau đó tôi bị phê phán. Cứ như thế, cuối cùng các ý kiến ủng hộ trạm cân dần dần ít đi và đến năm 2004-2005, trạm cân gần như dừng hẳn” - ông Tiến nói.
Về những dấu hiệu tiêu cực khi thiết lập lại trạm cân từ đầu tháng 4-2014, ông Tiến lo lắng: “Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố rất mạnh là sẽ xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho xe quá tải hoạt động. Thế nhưng tình trạng lái xe “quậy” trạm cân đã xuất hiện; tình trạng buông lỏng, lơ là kiểm soát để xe quá tải “lọt trạm” cũng đã có. Những cái đó nếu không ngăn chặn và xử lý nghiêm sẽ dễ gây ra “mầm họa”. Lợi ích cục bộ từ việc chở quá tải lớn lắm, người ta không dễ gì từ bỏ!” - ông Tiến nói.
Ngày 23-4, xe quá khổ, quá tải 51C-242.03 vượt trạm bị cơ quan chức năng Bình Thuận áp tải về trạm cân xử lý. Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Cần một giải pháp dài hơi
Tin tưởng vào quyết tâm chống xe quá tải của Bộ trưởng Đinh La Thăng nhưng ông Lê Mạnh Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.
“Giải pháp lập trạm cân lưu động chỉ là trước mắt. Về lâu dài không thể duy trì mãi 24/24 giờ vì sức người có hạn. Do đó cần phải quản lý được từ gốc, tức là quản lý kiểm tra tải trọng xe ngay từ chân hàng. Nếu anh quản được từ chân hàng thì áp lực kiểm soát trên đường sẽ giảm” - ông Hùng nói.
Cùng chung nhận định nhưng ông Tiến cho rằng việc quản lý từ gốc chỉ có thể thực hiện được ở các kho hàng, bến bãi thuộc khu vực nhà nước chứ khó có thể kiểm soát ở các khu vực do tư nhân quản lý. “Nguồn hàng có ở khắp nơi: cảng sông, cảng biển, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, thậm chí là ở ngay các cánh đồng…, lập bao nhiêu trạm cân mới đủ? Vì thế cần lập hệ thống trạm cân cố định trên các tuyến quốc lộ căn cứ vào chiều dài của các tuyến đường. Các trạm sẽ được trang bị cả cân tĩnh và cân động. Cân tĩnh lắp đặt ở cách xa trạm cân để phát hiện sớm các xe có dấu hiệu quá tải. Làm như thế sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông của các xe trên đường và tránh được tình trạng ùn tắc. Còn những trạm cân lưu động thì trang bị cho địa phương để xử lý trên các tuyến đường tỉnh. Phải có những giải pháp căn cơ, nối mạng và thông báo kết quả về Tổng cục Đường bộ để xử lý triệt để tình trạng tiêu cực cũng như sự can thiệp của con người” - ông Tiến nói.
Và mạnh tay với nhóm lợi ích
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh tin là chủ trương của Bộ GTVT sẽ thành công. “Để xảy ra tình trạng xe chở quá tải trước đây là do chính một số cán bộ thuộc ngành GTVT tiếp tay. Ví dụ, đăng kiểm biết là xe hoán cải, cơi nới, sửa chữa thùng nhưng họ vẫn cấp giấy phép lưu hành. Giờ bộ trưởng chỉ đạo nếu để xảy ra tiêu cực, tiếp tay cho xe quá tải thì sẽ cắt chức hết lãnh đạo Cục Đăng kiểm. Do đó chẳng ai trong Cục Đăng kiểm dám tiếp tay nữa đâu” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng nếu cứ để tình trạng xe quá tải, các doanh nghiệp vận tải chân chính sẽ bị thiệt, khó lập lại được trật tự vận tải và đưa giá cước về với giá trị thực. “Cần phải xử lý nghiêm những địa phương, những cán bộ buông lỏng trong việc cân xe để xe quá tải lọt trạm. Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng phải làm quyết liệt hơn, không để lợi ích nhóm thao túng trạm cân, tiếp tay cho xe quá tải tung hoành” - ông Thanh nói.
Còn Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định tại hội nghị sơ kết ngày 17-4: “Các doanh nghiệp nói ùn tắc hàng hóa, tăng chi phí, tăng cước vận tải… chỉ để gây sức ép. Nếu chúng ta làm tốt, làm hiệu quả thì cước đường bộ sẽ giảm, vận tải sẽ an toàn hơn, thị trường vận tải cạnh tranh công bằng hơn và giảm thiểu TNGT”.
THÀNH VĂN
Những tín hiệu bất ổn + Ngày 12-4, xe “khủng” chở máy biến thế từ Hà Nội về Cần Thơ. Xe lọt qua hàng loạt trạm cân của các địa phương và chỉ bị “vịn” tại trạm cân Bình Thuận. Đến ngày 1-5, sau nhiều ngày chơi “trốn tìm” với cơ quan chức năng, xe đã xuống xà lan ở Long An để về Cần Thơ. + Hầu hết địa phương xảy ra ùn tắc gần khu vực trạm cân vì xe quá tải đậu kín hai bên đường, né trạm. + Đêm 22 rạng sáng 23-4, hàng trăm tài xế xe quá tải tấp xe vào lề đường gây ùn tắc tại trạm cân Bình Thuận. Các tài xế đốt lửa, hò reo, cho xe vượt trạm cân. Công an tỉnh phải điều cảnh sát cơ động đến hỗ trợ. Đến ngày 30-4 hệ thống dây cáp nối từ bàn cân đến máy tính bị đứt nên trạm cân tạm ngưng hoạt động, xe quá tải ùn ùn di chuyển. _____________________________________ Bộ sẽ kiên quyết xử lý thật nghiêm tiêu cực trong lực lượng kiểm tra tải trọng. Tiêu cực phải hoàn toàn chấm dứt. Cục Đăng kiểm không chống được tiêu cực mà vẫn tiếp tay cho xe quá tải thì toàn bộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm chuyển đi làm việc khác. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói tại hội nghị sơ kết ngày 17-4 Bộ GTVT xác định cuộc chiến với xe quá tải là một cuộc chiến dài hơi nên sẽ làm kiên trì, liên tục. Bộ cũng đã chỉ đạo và nghiên cứu để đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường sông, đường biển để giảm áp lực cho hoạt động đường bộ. Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trước đây, khi có những dấu hiệu tiêu cực thì trong ngành sẽ xuất hiện nhiều ý kiến phá ngang, đề nghị xem xét dừng trạm cân. Lần này, Bộ đồng thuận, thể hiện sự quyết tâm rất lớn trong cuộc chiến xe quá tải. Ông LÊ NGỌC TIẾN, nguyên Chánh Thanh tra |