Xử nghiêm những biểu hiện lợi ích nhóm, 'sân sau'

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.

Theo đó, năm 2018 với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ...  công tác PCTN đã có bước tiến mạnh.

Nạn tham nhũng vặt đang là nỗi lo của Chính phủ. Ảnh: Internet

Cơ quan chức năng thụ lý điều tra 18 vụ tham nhũng với 67 bị can, khởi tố mới bốn vụ và 15 bị can.

Về kê khai tài sản, Chính phủ cho biết đã phát hiện sáu trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện năm trường hợp vi phạm). Bên cạnh đó, trong năm 2018 có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ phát hiện 132 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định, 938 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn và 79 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng trong năm 2018 đã thanh tra, kiểm tra nhiều vụ án phức tạp, điển hình như cuộc thanh tra thương vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn; thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm… Trong đó, thương vụ AVG kiến nghị thu hồi hơn 8.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Chính phủ cũng dự báo trong năm 2019 tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm. Đặc biệt là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện lợi ích nhóm, doanh nghiệp “sân sau”… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Chính phủ kiến nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm