Hàng trăm người về thắp hương trong ngày giỗ đầu Giáo sư Khê

Trong số người đến lễ giỗ, có đoàn xe từ TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Người đầu bạc, kẻ đầu xanh cùng thắp hương, ngồi lại với gia đình dùng bữa cơm ấm cúng.

TS sử học Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, GS Chung Hoàng Chương, đều là những người bạn của GS Khê, cũng không ngại đường sá xa xôi cùng về quê dự ngày giỗ này.

Chương trình văn nghệ bắt đầu từ tối 21-6, học trò và bạn bè tổ chức chương trình theo phong cách văn hóa cổ truyền, vinh danh giá trị xưa của Việt Nam và tri ân công đức của GS-TS Trần Văn Khê.

Đông đảo bạn bè, người yêu nhạc về lễ giỗ đầu của GS-TS Trần Văn Khê.

Nghệ nhân ca trù Phạm Thị Huệ cùng con gái từ Hà Nội bay vào Sài Gòn và về Tiền Giang tham gia chương trình. NSƯT Tú Sương trình diễn bốn vai trong trích đoạn Câu thơ yên ngựa, nghệ sĩ Minh Đức và Diệu Thanh biểu diễn trích đoạn Nhụy Kiều tướng quân, nghệ sĩ Xuân Lan với Câu hò dành tặng thầy Khê... để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai có mặt trong chương trình.

Ngoài ra, những làn điệu hát ru Nam Bộ, diễn ngâm thơ, những điệu múa hoa sen, múa mâm... cũng được giới thiệu trong chương trình.

GS Trần Quang Hải - con trai GS-TS Trần Văn Khê (áo vest đen) chốt lại đêm văn nghệ bằng tiết mục biểu diễn đàn môi, gõ muỗng.

Riêng diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - học trò của giáo sư đã biểu diễn lại bài thuyết trình nổi tiếng của ông về các điệu khóc cười trong nghệ thuật tuồng cổ, hát bội. Bài Tạ ơn Thầy do chính anh sáng tác một lần nữa lại vang lên trong không khí trang nghiêm làm mọi người không kìm được xúc động.

Nhóm Du ca Sài Gòn vừa đàn guitar vừa hát các điệu lý, câu hò. Cho đến một em bé cũng lên sân khấu thể hiện Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếu nhận được những tràng vỗ tay nhiệt tình của người xem.

Đặc biệt, GS Trần Quang Hải - con trai GS-TS Trần Văn Khê đã chốt lại đêm văn nghệ bằng tiết mục biểu diễn đàn môi, gõ muỗng là những phần trình diễn nổi tiếng mà ông đã biểu diễn hơn 60 năm qua.

Một em nhỏ tham gia trong chương trình.

Là học trò của GS Khê, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã đứng ra tổ chức lễ giỗ cho thầy tại quê nhà, anh chia sẻ: “Tôi tâm niệm ngày giỗ của thầy không chỉ là một ngày đơn thuần chỉ để đến thắp nén hương mà nó phải là ngày hội văn hóa để mọi người cùng tề tựu về đây, ôn lại những giá trị văn hóa tinh thần, cất lên tiếng gọi yêu quê hương tha thiết, làm sao cho tinh thần của GS-TS Trần Văn Khê sống mãi. Qua đó, kêu gọi mỗi người cùng yêu văn hóa cổ truyền, cùng xây dựng và tự hào về nền văn hóa đó”.

Lễ giỗ chính thức bắt đầu từ ngày 22-6. Gia đình muốn tổ chức sớm để các đoàn khách từ phương xa có thể tranh thủ về thắp hương cho GS trong ngày giỗ đầu này.

 

GS-TS Trần Văn Khê mất vào ngày 24-6-2015 (tức ngày 9-5 âm lịch) tại TP.HCM, thọ 94 tuổi. Tro cốt của ông được mang về đặt tại ngôi nhà ở làng Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang. 

Ông ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn không chỉ cho người thân mà người dân cả nước, những ai từng mến mộ tài năng lẫn sự cống hiến của ông cho nền âm nhạc dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm