Điểm tư vấn cộng đồng của bà Vũ Thị Huệ (phường 13, quận Gò Vấp) từ lâu đã là nơi tiếp nhận tư vấn, giúp đỡ những số phận không may ở các nơi tìm tới. Tôi theo chân bà Huệ đến thăm một bà mẹ trẻ vừa sinh con được vài ngày đang nương náu ở một nhà trọ gần đó.
Làm mẹ khi mới 12 tuổi
Người mẹ trẻ tên T., ở một quận khác trong TP. Gia đình T. thuộc loại khá giả. Năm 14 tuổi, T. gặp cú sốc khi tình cờ biết được mình là con nuôi của cha mẹ. Dù được cha mẹ hết lòng yêu thương nhưng em vẫn không vượt qua cú sốc tâm lý, sa sút dần trong học tập rồi bỏ học luôn. T. tìm đến sự chia sẻ ở bạn bè và kết cục là em có thai lúc nào không hay. Khi phát hiện ra con mang thai đã ba tháng, cha mẹ em đã tìm đến bà Huệ để nhờ bà chăm sóc thai kỳ, tránh sự dòm ngó của hàng xóm. Đến nay T. đã sinh được 10 ngày, con của em được gửi vào một mái ấm gần đó để nhờ chăm sóc trong một thời gian. Riêng người mẹ trẻ, bà Huệ chăm sóc, tư vấn tâm lý và chờ đến khi nào lại sức, vóc dáng gần trở lại bình thường thì gia đình sẽ đưa về nhà, coi như em vừa thực hiện một chuyến đi chơi xa trở về.
Nhìn T. không ai nghĩ em 15 tuổi, bởi em cao gần 1,6 m và đã ra dáng một thiếu nữ. Chỉ khi tiếp xúc gần thì mới thấy em vẫn là một đứa trẻ không hơn. Mới sinh được vài ngày nhưng suốt ngày em chỉ đòi ăn bánh tráng trộn.
Bà Huệ kể: “Năm ngoái có một cô bé tên N. mới 12 tuổi cũng phải nằm bệnh viện sinh con. Hai bà cháu từ Bến Tre lên đây thuê nhà ở bán vé số. Cứ mỗi sáng cháu đi một nơi, bà đi một nơi. Kết quả là cháu mang thai lúc nào bà cũng không hay. Khi nghe người này người kia nói về hoàn cảnh khó khăn của cháu, tôi tìm đến và gặng hỏi mãi mà chính cháu cũng không biết, không hình dung được về cái người mua vé số rồi làm chuyện đó với cháu ở đâu”. Gia cảnh của cháu nghèo, bà Huệ và các mạnh thường quân hỗ trợ 4 triệu đồng viện phí. Cháu đưa con về nuôi, bà đành đứng tên giấy khai sinh là mẹ cháu. Con đã một tuổi nhưng mẹ cháu bé vẫn chưa có chút cảm xúc nào về tình mẫu tử. Hằng ngày cháu vẫn chạy lon ton bán vé số như một đứa trẻ thơ.
Vóc dáng thiếu nữ, tâm hồn trẻ thơ
Ngày 3-4, UBND quận Thủ Đức đã tổ chức tọa đàm nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tại cuộc họp, bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức, cho biết trên địa bàn quận cũng đang đau đầu về hai trường hợp cháu bé mới 12 và 13 tuổi đã phải làm mẹ. Hai gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn. Các phòng chức năng của quận đã hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho các cháu. Tuy nhiên, quận cũng lúng túng chưa biết đưa hai mẹ con vào diện nào để bảo trợ chính sách vì đây là vấn đề mới phát sinh trên địa bàn quận.
Ông Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: Công nghệ thông tin bây giờ đã lên tới tận giường nằm, những hình ảnh kích thích không lành mạnh nhan nhản trên mạng. Bên cạnh đó, thời nay chế độ dinh dưỡng cung cấp quá đủ đầy nên có những đứa trẻ 8-9 tuổi đã rụng trứng, có kinh nguyệt. Cha mẹ phải trang bị cho con những kiến thức về tâm sinh lý ở giai đoạn này, nói cho con biết rằng khi bắt đầu có kinh nguyệt tức là con sẽ có thai nếu quan hệ tình dục. Đừng để tình trạng những đứa trẻ có vóc dáng bên ngoài của một thiếu nữ nhưng chưa biết gì về những khái niệm thụ tinh, rụng trứng, mang thai, sinh con… và những kỹ năng tự bảo vệ mình.
ĐÔNG YÊN
Đừng biến giáo dục giới tính thành “mê cung” Trách nhiệm của những người đi trước (xã hội, thầy cô và gia đình) là: Chớ biến khu rừng giáo dục giới tính thành mê cung bí ẩn mà hãy hóa giải mê cung đó thành các con đường thẳng rõ ràng, mạch lạc để con trẻ biết lối mà đi. “Vẽ đường cho hươu chạy” đúng phương còn hơn để hươu tự mò tìm hướng. Bộ GD&ĐT cần có một chương trình chuẩn để dạy trẻ các kiến thức về giới tính, tình dục, về sự khác biệt giữa nam và nữ, các biện pháp phòng tránh thai, tự bảo vệ bản thân trước những xâm hại tình dục… một cách chuyên sâu, có lộ trình khoa học từ mầm non đến các cấp học tiếp theo. Trước mắt có thể dịch một số giáo trình giới tính của Nhật, Mỹ, Đức… để làm tài liệu tham khảo. Cha mẹ cũng cần tự trang bị cho bản thân các kiến thức về giới tính và tình dục an toàn thông qua đọc sách, báo, xem tivi, nghiên cứu tài liệu trên Internet hoặc tham gia khóa học về giới tính. Cha mẹ phải thay đổi suy nghĩ ngại ngùng, né tránh những câu hỏi của con về giới tính. Hơn ai hết chính cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, luôn song hành và lý giải cho con một cách cặn kẽ, dễ hiểu, chính xác nhất các vấn đề mà con quan tâm. Trang bị cho con các kiến thức về giới tính, cách tự vệ khi bị xâm hại và tình dục an toàn. Các trường học cần xây dựng riêng gói chuyên đề hoặc mời chuyên gia giỏi về giáo dục giới tính để dạy cho học sinh theo từng độ tuổi. ThS LÊ THỊ LAN ANH, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em |