Trong tám ngày (từ ngày 20 đến 28-2) thực hiện chiến dịch “Chuối nghĩa tình” để hỗ trợ cho nông dân Đồng Nai, có 300 tấn chuối đã được giải cứu.
“Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số giúp tiêu thụ hơn 10% so với số lượng chuối thực tế của bà con hiện nay. Hiện tại ở Đồng Nai lượng chuối còn tồn đọng rất lớn, riêng huyện Trảng Bom đã có hơn 4.000 tấn với hơn 200 ha” - anh Nguyễn Tấn Khởi, Tổng Giám đốc Công ty VTVCorp, Trưởng ban Công tác xã hội CLB Quản trị và Khởi nghiệp, nói thêm.
Đó là con số tổng kết trong chiến dịch giải cứu chuối giúp người dân Đồng Nai trong buổi tọa đàm “Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững giúp nông dân Đồng Nai” diễn ra vào sáng nay (1-3), tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông II (11 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, quận 1, TP.HCM).
Triển khai 42 điểm cứu chuối ở TP.HCM
Từ những ngày cuối tháng 2, nhiều nông dân trồng chuối ở Đồng Nai, đặc biệt là ở huyện Trảng Bom và Thống Nhất, phải điêu đứng, dở khóc dở cười khi thương lái không mua chuối hoặc chỉ mua với giá từ 500-1.000 đồng/kg.
Chiến dịch giải cứu chuối vẫn đang diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: PHẠM CÔNG CHÍNH
Một chiến dịch giải cứu chuối mang tên “Chuối nghĩa tình” được phát động nhằm giúp đỡ người dân thu hút nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Đến hiện tại, chiến dịch đã giúp tiêu thụ 300 tấn chuối. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong 10 ngày tới, tình trạng trở nên nghiêm trọng vì chuối đồng loạt chín và buộc phải thu hoạch với số lượng lớn ở năm xã là Thanh Bình, Trảng Bom, Sông Thao, Sông Cầu, Cây Gáo.
Anh Hồ Phúc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH & DV Quốc tế TIP TO Mã Lai, Phó ban Công tác xã hội của CLB Quản trị và Khởi nghiệp, chia sẻ hiện tại đã triển khai đến 42 điểm bán chuối để hỗ trợ cho người dân. Anh cho biết chỉ mới thực hiện việc bán chuối tại 12 điểm, còn 30 điểm đang triển khai.
“Kinh khủng nhất là trong khoảng 10-15 ngày tới, chuối sẽ rơi vào cao điểm của mùa vụ thu hoạch nên số lượng rất lớn. Ước tính phải tiêu thụ 80-100 tấn mỗi ngày thì mới may ra cứu được người dân” - anh Phúc Nguyên thông tin.
ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX Hàng tiêu dùng Bita’s, Chủ nhiệm CLB Quản trị và Khởi nghiệp, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: THANH TUYỀN
Còn ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX Hàng tiêu dùng Bita’s, Chủ nhiệm CLB Quản trị và Khởi nghiệp, chia sẻ: "Nông dân hiện vẫn làm theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường. Khi thị trường có biến động thì nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chiến dịch "Chuối nghĩa tình" hiện chỉ đang là giải pháp mang tính nhân văn, hỗ trợ tạm thời chứ chưa thể giải quyết được tận gốc cho bà con nông dân. Việc phát động chiến dịch lần hai là hy vọng con số "giải cứu" giải quyết được 80%-90%. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có biện pháp bền vững, tìm thị trường đầu ra. Chúng ta cần có một kênh tập trung, kết nối với các doanh nghiệp để tìm giải pháp bền vững hơn chứ không phải là giải pháp tức thời như hiện nay".
Còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Hiện nay, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của CLB Quản trị và Khởi nghiệp thì không thể làm hết công việc cho đợt giải cứu sắp tới. Các thành viên trong CLB mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp về nông sản sẽ cùng tham gia để tìm đầu ra cho bà con.
Các tình nguyện viên đang giúp người dân thu hoạch và vận chuyển chuối. Ảnh: HỒ PHÚC NGUYÊN
Các thành viên trong CLB chia sẻ rằng khó khăn hiện nay là việc chọn chuối ở đầu vào làm sao để đảm bảo chất lượng mà không phải mất quá nhiều thời gian.
“Khâu này thì chúng tôi cần địa phương hỗ trợ vì chúng tôi phải lo đầu ra rồi. Không thể giám sát chặt chẽ việc thu hoạch của người dân ở vườn. Vì tâm lý người dân là giờ bán được đồng nào hay đồng đó, nhiều khi họ cũng không chú ý đến chất lượng chuối nên rất khó khăn cho chúng tôi vì phải đảm bảo chất lượng khi bán cho mọi người. Chúng tôi giúp bà con tiêu thụ chuối thì bà con phải giúp chúng tôi có được chuối đẹp, cùi dài quá thì cắt ngắn bớt đi... để chúng tôi quyết định mua đưa lên xe chứ không lại mất thêm khâu tuyển chọn và lựa qua lựa lại. Chuối không đẹp thì người ta lại không mua” - anh Phúc Nguyên chia sẻ.
Trong buổi tọa đàm sáng nay, nhiều doanh nghiệp đã cùng tham gia, nêu ý kiến để tìm giải pháp trong chiến dịch cứu chuối sắp tới. Ảnh: THANH TUYỀN
Vấn đề thứ hai mà mọi người đang gặp phải là việc vận chuyển, công tác phân phối chuối vào các điểm giải cứu. Vì quá nhiều điểm bán, số lượng chuối lên đến hàng tấn nên họ phải làm việc cả ngày đêm mới phân phối kịp, gặp khó khăn khi di chuyển.
“Thực tế là có xe chở chuối không vào được TP kịp giờ vì có nhiều tuyến đường cấm không cho xe tải chạy vào giờ đó. Có tài xế đã phải vòng ngược lại vì sợ bị phạt, chúng tôi phải mất thêm thời gian để chạy xe máy ra, bốc chuối chuyển qua rồi chở vào các điểm bán” - anh Phúc Nguyên chia sẻ.
Chỉ mua chuối 9-10 tuổi Anh Hồ Phúc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH & DV Quốc tế TIP TO Mã Lai, Phó ban Công tác xã hội của CLB Quản trị và Khởi nghiệp, chia sẻ một thực tế trong đợt giải cứu vừa qua là bà con nông dân có tâm lý sợ không ai mua nên chuối chỉ mới 7-8 tuổi đã thu hoạch để đem bán trong khi chuối 9-10 tuổi mới đạt yêu cầu để thu mua. “Có những cô chú chở cả xe chuối lên hỏi chúng tôi có mua không nhưng vì chuối quá non, chỉ mới 7-8 tuổi mà bà con đã thu hoạch nên chúng tôi không thể mua được. Làm như vậy thì số chuối đó cũng đành bỏ đi vì không đáp ứng chất lượng” - anh Phúc Nguyên nói. Qua đây, cá nhân anh cũng như CLB Quản trị và Khởi nghiệp cũng mong bà con hãy bình tĩnh để cùng nhau giải cứu chuối chứ không nên vì quá nôn nóng, sợ lỗ nhiều mà thu hoạch chuối quá sớm. . Được biết Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) cũng đã chung tay với chiến dịch giải cứu chuối đợt hai khi cho phép các xe tải chở chuối có thể chạy 24/24 giờ vào các tuyến đường để kịp giờ phân phối chuối ở các điểm bán. |