10 "vua lục quân" trên thế giới: MBT Abrams (Mỹ) - Sức mạnh lục quân

Bản thân các MBT đã là một cỗ máy tinh vi kết hợp nhiều công nghệ phức tạp (luyện kim, điện tử…), kỹ nghệ chế tạo phức tạp, nên không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể sở hữu.

Xin giới thiệu tới bạn đọc một số dòng MBT hàng đầu thế giới hiện nay:

4. MBT Abrams (Mỹ) - Sức mạnh lục quân 

MBT Abrams cũng là dòng tăng liên tục được thử lửa trên chiến trường từ đầu những năm 1990 tới nay. Đây cũng là điều kiện giúp dòng xe tăng Mỹ này không ngừng được hoàn thiện.

Về cơ bản, các thế hệ MBT Abrams đều sử dụng các công nghệ lõi từ châu Âu (giáp, pháo chính) kết hợp với các yếu tố Mỹ (đạn xuyên dưới cỡ Uranium, trang thiết bị điện tử). Hệ thống giáp đạn đạo của Abrams là  giáp Chobham và sắp tới là Burlington do Anh phát triển. Đây là thế hệ giáp composite, gồm nhiều lớp thép, gốm và vật liệu Kevlar tạo nên kết cấu “tổ ong”, cung cấp cho Abrams khả năng bảo vệ tương đương 1.320-1.620mm RHA đối với đạn lõm và 940-960mm RHA đối với đạn xuyên dưới cỡ. Ngoài ra, mặt trước tháp pháo của tăng Abrams còn được lắp đặt khiên chắn làm bằng Uranium nén (DU) cho phép cải thiện khả năng bảo vệ mặt trước của xe. Các yếu tố bảo vệ này đã được chứng minh bằng việc Mỹ mất rất ít xe tăng Abrams trong cuộc chiến vùng Vịnh lần 1 (1990) và các cuộc xung đột gần đây.

Dù có trọng lượng toàn xe lớn đạt gần 68 tấn, nhưng M1A2 vẫn có khả năng cơ động cao nhờ động cơ turbin. Tuy nhiên, điều này cũng đặt gánh nặng lên hệ thống hậu cần do dòng động cơ gas-turbin tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Kết cấu mô-đun hóa, an toàn tổ lái tối ưu...là những thế mạnh của xe tăng Abrams.

Abrams cũng là một trong dòng xe tăng "thích nghi"với môi trường tốt, khi có mặt ở nhiều nơi trên thế giới từ sa mạc Cận Đông, tới binh nguyên ôn đới châu Âu và vùng nhiệt đới ở châu Á.

Kết cấu khoang đạn của Abrams với phần nắp phía trên được thiết kế mở giúp phát tán sức công phá nếu đạn trong xe phát nổ. Đây là yếu tố giúp khả năng sống sót của tổ lái khi xe bị bắn hạ.

Trang bị hỏa lực của MBT Abrams phiên bản đầu là pháo nòng xoắn M68A1 105 mm dựa trên cơ sở pháo L7 của Anh. Tuy nhiên, sau năm 1990, pháo nòng trơn 120mm M256A1 dựa trên cơ sở pháo L44 trên xe tăng Leopard 2 đã thay thế M68A1 làm trang bị tiêu chuẩn trên thế hệ MBT M1A1. Đây cũng là bước tiến, cho phép Mỹ phát triển các loại đạn chống tăng dưới cỡ làm từ Uranium nén của riêng mình.

Kết hợp với pháo chính trên xe tăng Abrams là súng máy đồng trục  M240 7,62 mm và súng phòng không 12,7 mm M2HB trên nóc tháp pháo. Khi cần thiết, MBT Abrams cũng có thể tăng cường thêm súng máy nòng xoay M134 5,56 mm và súng máy M240 trên tháp pháo.

Một thế mạnh khác nữa của MBT Abrams là việc hệ thống quan sát của trưởng xe và xạ thủ được tách riêng giúp xe có liên lục theo dõi 2 mục tiêu làm giảm thời gian chờ giữ các lần tác xạ. Cùng với đó, trang thiết bị trên xe đều được số hóa và liên kết với nhau theo chuẩn C4I giúp nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Cung cấp sức mạnh cơ động cho MBT Abrams là động cơ gas-turbin đa nhiên liệu  Honeywell AGT 1500 công suất 1.500 mã lực giúp chiếc xe tăng nặng tới trên 68 tấn có thế chạy với tốc độ 68km/giờ trên đường và 48km/giờ khi dã chiến. Dự trữ hành trình của xe tăng Abrams là khoảng 426 km.

Điểm mạnh của động cơ gas-turbin so với diesel là khả năng tăng tốc nhanh, trọng lượng nhẹ và thể tích nhỏ, nhưng nó lại sử dụng quá nhiều nhiên liệu, hoạt động ồn ào và độ tin cậy thấp trong các điều kiện hoạt động khắc nghiệt.

Công nghệ đạn chống tăng dưới cỡ là việc sử dụng lõi kim loại cứng nhờ việc sử dụng hợp kim có tỷ khối cao (hợp kim Uranium, Vofram...) để xuyên thủng giáp, phá vỡ kết cấu và gây nổ xe tăng của đối phương. Đạn chống tăng hiện đại thường có kết cấu một thanh xuyên nhỏ làm từ hợp kim cứng đặt trong guốc phóng có kích cỡ tương đương đạn tăng thông thường. Sau khi được bắn, thành xuyên dưới cỡ tách khỏi guốc đạn và tự điều hướng bằng cánh lái tự thân. Khả năng tiêu diệt xe tăng của đối phương của đạn dưới cỡ nằm ở động năng thanh xuyên tích lũy được và tỷ khối lớn của vật liệu chế tạo (giúp thanh xuyên không bị biến dạng hoặc gẫy khi va chạm vào giáp của xe tăng đối phương). Nhược điểm của đạn chống tăng dưới cỡ là do sử dụng thuần khả năng xuyên phá động năng, nên thanh xuyên sẽ nhanh chóng mất sức xuyên phá khi tấn công mục tiêu ở khoảng cách lớn. Công nghệ đạn tăng kiểu này hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Mỹ hiện nổi tiếng với công nghệ chế tạo đạn thanh xuyên dưới cỡ làm từ hợp kim Uranium nén với biệt danh "Viên đạn bạc".

Theo Tuấn Sơn tổng hợp (QĐND)
(Còn nữa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới