Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cho là kho dữ liệu quan trọng để các bộ nghành, các cơ quan nhà nước thực hiện số hoá khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Dữ liệu này có thể chia sẻ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Đây là một bước cải cách vượt bậc của các bộ ngành trong việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính...
Vậy xin hỏi người dân có thể khai thác được dữ liệu này không, nếu có thì khai thác bằng những cách nào?
Bạn đọc Đỗ Ngọc (TP.HCM)
Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Nghị định số 37/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực từ 14-5-2021 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vấn đề khai thác dữ liệu trong CSDLQG về dân cư (CSDLQG).
Theo đó, tại Nghị định 37/2021 quy định tổ chức, cá nhân được khai thác thông tin trong CSDLQG nếu đảm bảo một số điều kiện nhất định.
Đối với tổ chức: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định.
Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong CSDLQG bằng một trong các cách:
Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong CSDLQG bằng một trong các cách:
- Thông qua cổng dịch vụ công quốc gia;
- Thông qua cổng dịch vụ công Bộ Công an;
- Bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin;
- Theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
Đối với cá nhân: Công dân khai thác thông tin của mình trong CSDLQG bằng một trong các cách:
- Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
- Thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an;
- Bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin;
- Thông qua dịch vụ nhắn tin.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền được quy định chi tiết tại Nghị định 37/2021.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.
Công dân sẽ thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.
(PLO)- Mỗi ngày, có khoảng 600.000 giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp với dân số hơn 90 triệu dân ở nước ta.