Trùm khủng bố Osama Bin Laden thành lập tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda vào cuối thập niên 1980, và bị Mỹ tiêu diệt tại Pakistan vào ngày 2-5-2011.
Năm năm sau cái chết của thủ lĩnh Osama Bin Laden, Al-Qaeda đã mất sức mạnh nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn cầu đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lấn lướt, tuy nhiên IS sẽ vẫn còn tồn tại nguy hiểm rất lâu nữa, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nhận định của nhiều chuyên gia.
Mất dần ảnh hưởng về IS
Vào thời điểm lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden, sức mạnh Al-Qaeda đã bị tổn hại nghiêm trọng, rất nhiều thủ lĩnh cấp cao và tay súng đã bị giết trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Sự bất mãn ngày càng gia tăng trong hàng ngũ Al-Qaeda khi nhân vật Ayman al-Zawahiri lên thay thế vai trò thủ lĩnh của Bin Laden. Rồi thì ngày 3-2-2014 một trong những chi nhánh của Al-Qaeda ở Iraq tách ra thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chỉ trong vòng 4 tháng, tới tháng 6-2014, IS đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở Iraq và Syria. Sau đó tiếp sau đó lấn sang Libya, Ai Cập, Algeria, Saudi Arabia, Yemen (cuối năm 2014), Afghanistan, Pakistan, một phần Ấn Độ, Nigeria (đầu năm 2015), khu vực Bắc Caucacus (giữa năm 2015).
Tầm ảnh hưởng của IS vượt qua cả tiền thân Al-Qaeda, tuyển mộ hàng ngàn tay súng và thực hiện hàng loạt vụ khủng bố khiến hàng trăm người chết ở hàng loạt nước như Bỉ, Pháp, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Yemen, Saudi Arabia, và cả máy bay Nga đang bay trên bầu trời Ai Cập. IS còn hơn hẳn Al-Qaeda về khai thác truyền thông và mạng xã hội phục vụ tuyên truyền.
Dù thế, chuyên gia William McCants tại Viện chính sách Brookings (Mỹ) cho rằng dù đã choáng váng vì mất nhiều địa bàn về tay IS lúc đầu nhưng Al-Qaeda đã dần hồi phục. “Al-Qaeda hiện rất mạnh ở Syria và Yemen.”
Al-Qaeda vẫn là mối đe doạ nguy hiểm lớn nhất
Tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria hiện đang kiểm soát phần lớn tỉnh Idlib (bắc Syria) và là một trong những lực lượng chống quân của Tổng thống Bashar al-Assad dữ dội nhất.
Máy bay chiến đấu của chính phủ Syria bị Mặt trận Al-Nusra bắn rớt tại thị trấn Al-Eis (bắc Syria). (Ảnh: AFP)
Tổ chức Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) – chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen hiện đang nắm giữ những lãnh thổ quan trọng chiến lược ở phía nam và đông nam Yemen.
Các phần tử Al-Qaeda đang lợi dụng tình hình hỗn loạn tại Syria và Yemen để mở rộng địa bàn kiểm soát.
Trong khi đó, tổ chức Maghreb Hồi giáo (AQIM) - một chi nhánh khác của Al-Qaeda ở Algeria (Bắc Phi) không ngừng tạo ảnh hưởng ở khu vực bằng các vụ khủng bố liên tiếp.
Dù mới tuần trước bị quân chính phủ Yemen chiếm lại được TP cảng Mukalla sau hơn một năm kiểm soát nhưng AQAP vẫn là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất Yemen với hàng ngàn tay súng. Trong khi IS chỉ có vài trăm tay súng tại đây.
Với Mỹ, AQAP là chi nhánh hoạt động quy củ và nguy hiểm nhất của Al-Qaeda, là thủ phạm của hàng loạt vụ khủng bố nghiêm trọng trong vài năm gần đây.
Tháng 1-2015, các tay súng AQAP tấn công trụ sở báo Charlie Hebdo (Paris, Pháp) giết chết 12 người.
Từ tháng 11-2015 đến nay, AQIM đã thực hiện nhiều vụ khủng bố nhắm vào khách sạn và nhà hàng ở các nước Mali, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà khiến hàng chục người chết trong đó có rất nhiều nạn nhân phương Tây.
“Các vụ tấn công ở Tây Phi khẳng định sự hiện diện tại khu vực này của AQIM và cho thấy chi nhánh này đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng.”, tổ chức cố vấn tình báo The Soufan Group (New York, Mỹ) nhận định hồi tháng 3.
“AQIM thực hiện các vụ tấn công này để thách thức IS đồng thời để thể hiện sức mạnh qua đó huy động thêm sự ủng hộ từ khu vực, cũng như thể hiện sự đoàn kết của Al-Qaeda trước nguy cơ phân rẽ.”, theo The Soufan Group.
Vụ tấn công trụ sở báo Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) và hàng loạt vụ khủng bố ở các nước Tây Phi cho thấy Al-Qaeda vẫn còn khả năng thực hiện các vụ tấn công vốn mang đặc trưng của tổ chức khủng bố này.
Binh sĩ tuần tra tại Paris sau khi xảy ra vụ khủng bố báo Charlie Hebdo năm 2015. (Ảnh: AFP)
Trong khi đó, theo tổ chức chống khủng bố quốc tế International Crisis Group (Bỉ), dù IS có mở rộng tầm ảnh hưởng nhưng Al-Qaeda và các chi nhánh ở Bắc Phi, Somalia, Syria, Yemen vẫn đang là những mối đe doạ nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Al-Qaeda sẽ tồn tại hàng thập kỷ nữa
Mỹ rõ ràng vẫn xem Al-Qaeda là một mối đe doạ lớn, liên tục tổ chức không kích tiêu diệt chi nhánh AQAP ở Yemen.
Rất nhiều thủ lĩnh cấp cao của AQAP đã chết trong các trận không kích này, trong đó có nhân vật cấp cao thứ hai của Al-Qaeda là Nasir al-Wuhayshi bị tiêu diệt tháng 6-2015. Một trận không kích của Mỹ hồi tháng 3 trúng vào một trại huấn luyện của Al-Qaeda ở Yemen giết chết ít nhất 71tân binh khủng bố.
Cảnh sát Yemen kiểm tra và tịch thu quân nhu của Al-Qaeda ở tỉnh Lahj sau một trận càn quét. (Ảnh: AFP)
Trong một bài báo trên trang tin Atlantico (Pháp) đầu tháng 4, cựu quan chức tình báo Pháp Alain Rodier nhận định có thể IS đang sở hữu ưu thế nổi bật, nhưng Al-Qaeda mới là sự nguy hiểm về lâu dài.
Bằng việc nôn nóng tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo, IS đã tự biến mình thành một mục tiêu hàng đầu trong tiêu diệt khủng bố của thế giới. Hậu quả là hàng ngàn tay súng IS đã phải chết trong các cuộc không kích tại Iraq và Syria của Liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu và cả của Nga.
Trong khi đó, Al-Qaeda lại có sức ảnh hưởng và sự nguy hiểm lâu dài, thể hiện rõ qua sự phản đối việc IS giết hại người Hồi giáo. Các thủ lĩnh Al-Qaeda ở Yemen và những nơi khác từng lên án các hành động tàn sát người Hồi giáo, chẳng hạn đánh bom nhắm vào các đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite.
Bên cạnh đó, trong khi IS làm nản lòng các tay súng ủng hộ với các điều luật khắt khe, thì tổ chức Mặt trận Al-Nusra (chi nhánh Al-Qaeda ở Syria) lại chủ động tìm kiếm ủng hộ bằng việc nỗ lực hợp tác với các lực lượng địa phương tại các vùng lãnh thổ mình kiểm soát.
Hay nói cách khác, theo cựu quan chức tình báo Pháp Alain Rodier, cha đẻ Bin Laden chết đi không đồng nghĩa Al-Qaeda sẽ bị tiêu diệt, mà nó sẽ còn tồn tại hàng thập kỷ nữa.