Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (do Bộ chủ trì soạn thảo với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan). Trước đó, tháng 11-2013, Việt Nam đã ký công ước này, tháng 11-2014 thì Quốc hội phê chuẩn. Thực hiện quy định tại Điều 19 Công ước, Việt Nam báo cáo kết quả năm đầu tiên triển khai thực hiện Công ước (2015-2016).
Tội phạm liên quan chiếm tỉ lệ rất nhỏ
Theo dự thảo, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người tại Việt Nam được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản luật như Hiến pháp 2013, BLHS 1999, BLTTHS 2003, Luật Thi hành án hình sự 2010, BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015…
Ở Việt Nam, tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến mà chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm. Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình và mỗi vụ phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh. Từ 2011 đến 2015, tòa chỉ thụ lý, xét xử sơ thẩm 10 vụ án về tội dùng nhục hình, không có vụ án nào về tội bức cung, tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
Chẳng hạn vụ Lê Khắc Sáu (Công an TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) bị TAND tỉnh Ninh Thuận kết án năm năm tù về tội dùng nhục hình. Hay vụ Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy (Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạm tội dùng nhục hình với mức án cao nhất đến năm năm tù. Điều này cho thấy Việt Nam kiên quyết trừng trị mọi hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; không bao che, dung túng cho bất kỳ ai, kể cả những cán bộ công quyền xâm phạm quyền cơ bản của con người, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, các chứng cứ là kết quả của hành vi dùng nhục hình cũng bị hủy bỏ trong quá trình tố tụng. Chẳng hạn trong vụ án mạng của ông Lý Văn Dũng, tháng 7-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án giết người và điều tra bảy người, trong đó có Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách, Khâu Sóc. Trong quá trình điều tra, các điều tra viên Nguyễn Hoàng Quân, Triệu Tuấn Hưng đã dùng nhục hình đối với ba người này để buộc họ khai nhận tham gia sát hại ông Dũng. Sau quá trình điều tra, không có cơ sở kết luận Đở, Phách, Sóc phạm tội nên tháng 5-2014, Công an tỉnh Sóc Trăng đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với họ. Các lời khai, chứng cứ thu thập được từ việc dùng nhục hình của các điều tra viên cũng bị hủy bỏ, không được sử dụng để buộc tội các nghi can trong vụ án.
Vụ năm cựu cán bộ, chiến sĩ công an ra tòa vì dùng nhục hình ở Phú Yên là một trong số ít vụ án tòa xử về tội này trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: T.LỘC
Nhiều tin báo, tố giác không chính xác
Cũng theo dự thảo, từ năm 2011 đến 2015, Bộ Công an đã tiếp nhận 24 tin báo, tố giác liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, đã giải quyết 16 vụ, còn tám vụ đang giải quyết. Từ năm 2010 đến 15-10-2016, VKSND Tối cao cũng tiếp nhận 82 tin báo, tố giác về tội phạm có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình; đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 15 tố giác/25 bị can, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 51 tố giác.
Nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình đều được điều tra, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh không có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình như vụ ông Nguyễn Đức Thắng ở Phú Thọ tố cáo Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) có hành vi đánh đập, ép cung buộc ông nhận tội. Hay vụ ông Nguyễn Văn Nam ở Nam Định tố cáo một số cán bộ Công an huyện Xuân Trường có hành vi đánh đập, ép cung để khép ông vào tội chống người thi hành công vụ...
Để khẳng định là thành viên tích cực của Công ước, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp để phòng, chống tra tấn: Hoàn thiện các quy định pháp luật về chống tra tấn, triển khai thi hành Luật Điều ước quốc tế 2016, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tương trợ tư pháp 2007. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ biến nội dung Công ước và pháp luật về chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân...
Bảo vệ tốt quyền con người Báo cáo quốc gia về chống tra tấn là minh chứng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực thi Công ước, có ý nghĩa lớn thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền con người của nước ta. Nhiều giải pháp chống bức cung nhục hình đã được đưa ra nhằm nâng cao trách nhiệm của những người thi hành pháp luật, đặc biệt là cán bộ điều tra trong tố tụng. Không chỉ thế, nó còn là cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật, tạo sự công khai, minh bạch trong hoạt động điều tra. TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM Tuyên truyền cho người dân Hiến pháp và các luật của Việt Nam đã cụ thể hóa rất rõ tinh thần của Công ước của LHQ về chống tra tấn. Chính phủ cũng đã ban hành những văn bản làm hành lang pháp lý. Tất cả đã tạo ra một môi trường pháp lý, tố tụng công khai hơn. Sắp tới, tôi nghĩ việc tập trung tuyên truyền cho người dân nhận thức về pháp luật nói chung và quyền không bị tra tấn nói riêng là rất cần thiết. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa Thành viên bảy công ước về quyền con người Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 Công ước cơ bản về quyền con người và một số nghị định thư của các công ước này. Việt Nam cũng tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, đồng thời đang tiếp tục nghiên cứu khả năng tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (CPED), Công ước về quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ (ICRMW)... |