BÀ RỊA – VŨNG TÀU:

53 cảng biển nhưng mới chỉ có một con đường

53 cảng biển nhưng mới chỉ có một con đường ảnh 1

10 năm: phát triển 53 cảng biển

Tàu chở hàng đang chuẩn bị cập cảng. Ảnh: Giang Sơn

Theo ông Vũ Ngọc Thảo, giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh BR–VT, tỉnh này hiện có 53 cảng biển, trong đó 17 cảng đang khai thác, 18 cảng đã khởi công xây dựng và 22 cảng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đây chính là thời điểm phát triển mạnh nhất trong vòng mười năm của BR–VT kể từ khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị lập quy hoạch cảng biển Việt Nam, cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ là cửa ngõ quốc tế ở phía Nam của cả nước. Nơi đây đang tập trung hầu hết các cảng chuyên dùng container và cảng tổng hợp quy mô lớn, được thiết kế cho tàu trọng tải từ 80.000 – 160.000 tấn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào các cảng ở đây đều là những tập đoàn vận tải biển và khai thác cảng biển hàng đầu trên thế giới như: PSA (Singapore); Hurchison (Hong Kong, Trung Quốc); Maersk (Đan Mạch); SSA Marine (Mỹ); CMA–CGM (Pháp); Yang Ming (Đài Loan – Trung Quốc)...

Ì ạch đường đến cảng

Năm 2010, xây thêm nhiều cảng biển

Từ nay đến cuối năm 2010, riêng huyện Tân Thành sẽ khởi công thêm bảy dự án cảng biển, đó là: cảng Mỹ Xuân; cảng container Cái Mép Hạ; cảng Gemalink; cảng tổng hợp container Mỹ Xuân; cảng An Phú; cảng Trạm nghiền ximăng Hồng Lĩnh; cảng của dự án nhà máy đóng tàu Long Lân. Tại khu vực cụm cảng Thị Vải – Cái Mép đã có 34 dự án (trong đó tám dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 26 dự án vốn trong nước) với tổng số vốn đăng ký 2,42 tỉ USD và 41.000 tỉ đồng, trong đó tám cảng đang khai thác, 12 cảng đang xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2010.

Tuy hệ thống cảng biển phát triển mạnh như vậy, thế nhưng, hiện tại hạ tầng giao thông phục vụ sau cảng lại chỉ được xây dựng một cách ì ạch. Từ trước đến nay, hầu như chỉ có quốc lộ 51 là tuyến đường duy nhất phục vụ cho việc lưu thông hàng hoá của hệ thống cảng biển tỉnh này. Theo nhận định của một doanh nghiệp cảng Phú Mỹ, không có đường thì các nhà đầu tư không thể đưa máy móc, thiết bị, vật tư vào xây dựng cảng; việc trung chuyển hàng hoá gần như tê liệt nhất là khi quốc lộ 51 gặp sự cố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, dù đã hết sức nỗ lực, nhưng tuyến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải – công trình hạ tầng ngoài hàng rào, nối liền hệ thống cảng và sáu khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép – Thị Vải có chiều dài khoảng 21km và nhóm cảng biển số 5 cũng mới chỉ ở giai đoạn… khởi động.

Đại diện sở Giao thông vận tải tỉnh BR–VT cho biết, ba năm qua, do nguồn vốn đầu tư lớn, nên dù sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ rót kinh phí đầu tư, nhưng chưa được giải quyết. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho BR–VT được thực hiện dự án bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nên tỉnh đang lập các thủ tục theo quy định để sớm khởi công, đưa dự án đi vào hoạt động.

Chịu tình cảnh tương tự là tuyến đường 965 dài 8,5km, nối khu vực Cái Mép với quốc lộ 51 bằng nguồn vốn ODA, có tổng mức đầu tư khoảng 1.031 tỉ đồng, được khởi công từ cuối năm 2008, sau đó nằm im, không biết đến khi nào mới xong. Không chỉ có hạ tầng giao thông, ngay cả dịch vụ logistics phục vụ cho hoạt động các cảng tại tỉnh BR–VT cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Phó giám đốc một cảng nông sản tại BR–VT, nói: “Cảng mọc lên quá nhiều, nhưng bến trung chuyển, các kho bãi hỗ trợ nhu cầu của cảng lại không phát triển; nếu bây giờ không làm, năm năm sau, hàng hoá sẽ bị ách tắc tại đây. Chuyện này, Hải Phòng, TP.HCM cũng đã bị”.

Ông Vũ Ngọc Thảo cho rằng, chính việc cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên các cảng biển tại khu vực BR–VT so với TP.HCM, Đồng Nai và một số nước trong khu vực cũng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Theo Tùng Quang – Giang Sơn (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm