Sắp kết thúc năm học 2020-2021, chuẩn bị bước vào năm học 2021-2022, đối với con chuẩn bị vào lớp 1, cần có sự chuẩn bị dài hơi để con nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Để các con hòa nhập tốt với môi trường mới, ba mẹ có thể làm những việc sau đây, chuẩn bị tâm thế cho các con đến trường:
- Ba mẹ tranh thủ chở con đến trường, giới thiệu về trường, cùng con tìm hiểu một số điểm trong trường (lớp học của con, nhà vệ sinh, khu nước uống) và hướng dẫn con cách sử dụng.
- Nếu ba mẹ đã từng học ở trường thì đây là dịp rất tốt để kể về ngôi trường với bao nhiêu kí ức tuổi thơ của mình, kể cả những cảm xúc e ngại ban đầu đã được ba mẹ vượt qua như thế nào. Nhờ đó, con có kết nối với trường qua tâm thức của ba mẹ, sẽ giúp con cảm thấy quen thuộc với trường hơn. Nếu không chở con đến trường được, ba mẹ hãy tìm website của nhà trường để giới thiệu với con qua hình ảnh nhà trường và các thầy cô giáo ở đó. Những hình ảnh này sẽ được lưu vào bộ nhớ của con, giúp con có cảm giác quen thuộc với trường mới. Ba mẹ có thể đề nghị cô giáo gặp gỡ trực tiếp với các con qua video call để con làm quen với cô giáo giúp con bớt căng thẳng ngày đầu đến trường.
- Với việc xử lý các nhu cầu vệ sinh: ba mẹ hướng dẫn con cách mở và cài khuy, dây kéo quần cho thành thạo và kĩ năng làm sạch sau khi đi vệ sinh. Hiện nay, hầu hết các trường đều có vòi hand, rất thuận lợi cho các con sử dụng nhưng các con vẫn cần được hướng dẫn và thực hành tại nhà cho thành thục.
- Với việc giao tiếp trong trường học:
+ Trong lớp: ba mẹ hướng dẫn và cho con thực hành cách giơ tay và xin phát biểu mỗi khi con muốn. Con giơ tay khi cô/các bạn đã nói xong và nói: Thưa cô, con muốn nói. Ở nhà, ba mẹ hướng dẫn con và cùng con thực hành trong đời sống hàng ngày. Khi ba mẹ muốn nói thì giơ tay và nói: Thưa con, ba mẹ muốn nói. Ba mẹ làm vậy để con có hình mẫu mà bắt chước. Sau đó, có thể chơi sắm vai trong lớp học: ba/mẹ làm cô, con làm học sinh. Sau đó thì đổi lại, ba/mẹ-học sinh, con-thầy cô để con có thể tự tin, mạnh dạn mỗi khi muốn phát biểu.
+ Với bạn bè: ba mẹ hướng dẫn con cách xin vào nhóm chơi, cách chia sẻ với bạn bè (thức ăn, đồ dùng, trò chơi,...) Lưu ý là, trong thời gian dịch bệnh hiện nay, con chỉ chia sẻ cho bạn thức ăn riêng rẽ như cây kẹo, cái bánh. Tuyệt đối không cắn chung, uống chung để tránh lây bệnh cho nhau. Nếu bạn làm con tổn thương, thì con hãy thở sâu và chậm để bình tĩnh lại. Sau đó, nói cảm xúc của con cho bạn biết và đề nghị bạn ngừng hành động/lời nói đó, rồi cảnh báo nếu bạn vẫn tiếp tục thì đi báo cô giáo.
- Với đồ dùng học tập, ba mẹ hướng dẫn để cọn tự tìm cách làm dấu lên đồ dùng của mình (vẽ kí hiệu/hình ảnh mà con thích,...), giới thiệu cho con từng món đồ cùng với công dụng, giá tiền của nó. Cho con đếm để con biết con có tổng số "tài sản" là bao nhiêu.
- Để giúp con quản lý số "tài sản" khổng lồ lần đầu tiên con có (sách vở, đồ dùng), ba mẹ hướng dẫn con luôn cất tất cả đồ dùng, sách vở của mình vào cặp trước khi ra chơi; kiểm tra lại sau khi vào lớp và khi ra về. Cho con thực hành qua trò chơi giả tưởng trong lớp học. (cũng có âm thanh làm tiếng trống ra chơi, vào lớp như thường lệ).
- Ba mẹ cùng con làm quen với thời khóa biểu, giúp con hiểu ý nghĩa của thời khóa biểu. Vì con chưa biết chữ, để con dễ soạn sách vở hơn, ba mẹ hướng dẫn con tô màu riêng biệt cho mỗi môn trong thời khóa biểu theo màu vở quy định của cô giáo. Ba mẹ hướng dẫn và cùng con con soạn theo TKB (đã tô màu các môn) khoảng 3 lần, sau đó để con tự soạn khoảng 3 lần để chắc chắn là con có thể tự làm được việc này. Đây là kĩ năng rất quan trọng, giúp con biết con có những vở sách nào để quản lý, giữ gìn trong suốt buổi học tại trường. Nhiều con vì được ba mẹ làm thay việc này nên thường bị mất sách vở do không biết mình có những gì. Không biết thì làm sao mà bảo quản được, phải không ba mẹ?
- Và ba mẹ cũng cần lưu ý xây dựng lại thói quen sinh hoạt cho con: ngủ sớm, dậy sớm, tự vệ sinh cá nhân và ăn sáng đúng giờ, sẵn sàng cho việc đi học sắp đến.
Chúc các con lớp 1 có những trải nghiệm đầu đời cho việc học thật sự dễ chịu, đáng yêu và đáng nhớ cùng ba mẹ của mình.