Ai đứng sau biểu tình ở Ukraine?

Thị trưởng Kharkov khẳng định Ukraine không phải chỉ có quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev.

Tại Kiev, ngày 22-1 là ngày thứ tư phe biểu tình chống chính phủ xung đột với cảnh sát. Phe đối lập kích động biểu tình nhằm phản đối luật hạn chế biểu tình mới được Quốc hội thông qua và đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức sau khi ông không ký hiệp định liên kết và tự do thương mại với Liên minh châu Âu nhưng lại tăng cường hợp tác kinh tế với Nga.

Tổng cộng đã có năm người chết và 300 người bị thương. Bộ Nội vụ Ukraine thông báo 218 cảnh sát bị thương trong bốn ngày biểu tình vừa qua ở Kiev. Báo chí mô tả quang cảnh chẳng khác nào chiến tranh đô thị.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nhấn mạnh: “Chính quyền hợp pháp ở Ukraine đang đối mặt với can thiệp nước ngoài. Một bộ phận cực đoan của phe đối lập ở Ukraine đang vi phạm trắng trợn hiến pháp”.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), những nhân vật nước ngoài đã đến tiếp xúc với những người biểu tình ở Ukraine gồm có Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý Jarosław Kaczyński (nguyên Thủ tướng Ba Lan), Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, nghị sĩ châu Âu Rebecca Harms (người Đức), hai thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Christopher Murphy.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng tố cáo bạo lực xảy ra ở Kiev có bàn tay của bên ngoài giật dây. Ông đã yêu cầu các nước châu Âu không nên xen vào khủng hoảng ở Ukraine. Ông gọi hành vi ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Độc Lập của một số nhà ngoại giao châu Âu là “ghê tởm”. Ông khẳng định Nga sẽ không bỏ rơi Ukraine.

Bằng chứng cho lời tố cáo của Ngoại trưởng Sergey Lavrov là Mỹ đã tuyên bố thu hồi visa của các nhà lãnh đạo Ukraine. Ngày 8-1, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết ghi nhận nếu xảy ra hành vi bạo lực với những người biểu tình hòa bình ở Ukraine, tổng thống và Quốc hội Mỹ phải tiến hành các biện pháp trừng phạt có mục tiêu.

Liên minh châu Âu phản ứng có phần ít trắng trợn hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso cho rằng châu Âu có một số công cụ nhưng còn quá sớm để công bố các biện pháp của châu Âu.

Thực ra đến giờ này các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa có giải pháp gì cụ thể đối với cuộc khủng hoảng Ukraine bởi các ý kiến vẫn còn mâu thuẫn. Một số nước muốn hạn chế các nhà lãnh đạo Ukraine đi lại ở châu Âu và phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, Pháp là nước đầu tiên phản đối vì cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ phản tác dụng và càng đẩy Ukraine rơi vào vòng tay của Nga hơn nữa.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm