Ngày 28 tháng Chạp (22-1), đường hoa xuân Canh Tý 2020 với chủ đề TP.HCM - Vững tin tiến bước tại trục đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) mở cửa chào đón người dân TP đến hết mùng 4 tháng Giêng (28-1). Đây là năm đầu tiên trục đường Nguyễn Huệ lắp đặt cố định hàng chục ghế ngồi.
130 chú chuột nổi bật tại đường hoa
Đường hoa Nguyễn Huệ xuân Canh Tý 2020 có tổng chiều dài 700 m, bắt đầu từ đài phun nước (ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi) đến giao lộ Tôn Đức Thắng. Đường hoa chia thành ba phân đoạn với hơn 40 cụm đảo và 100 tiểu cảnh. Đặc biệt, 130 linh vật năm Canh Tý cho đến các tiểu cảnh… đều hướng đến thiên nhiên và môi trường.
Ba phân đoạn gồm:
Phân đoạn 1: Xuân của đất trời, xuân của tình người hướng đến mùa xuân, tết cổ truyền của người Việt Nam. Trong đó, hình ảnh những chú chuột được đặt làm hình ảnh chủ đạo. Điểm nhấn của phân đoạn này là đại cảnh chuột với cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột.
Phân đoạn 2: Thành phố phát triển, bền vững niềm tin, lấy ý tưởng từ hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu, đại cảnh Bức tranh mùa xuân tái hiện sự vận động của vòi rồng, lốc xoáy và những cơn bão nhiệt đới. Đại cảnh này được bắt nguồn từ bức tranh Starry Night của danh họa Van Gogh.
Phân đoạn 3: Thành phố hiện đại, tiến bước vươn xa với ý tưởng từ khu thác nước sinh thái nổi tiếng của Singapore. Sự kết hợp này tạo nên một hệ sinh thái thu nhỏ, làm dịu đi nắng nóng, đồng thời truyền tải thông điệp: Hệ sinh thái xanh, nước về mang tài lộc, một lời chúc viên mãn cho năm mới.
Đường hoa khép lại ở cuối giao lộ Tôn Đức Thắng với đại cảnh cổng kết với khối kinetic hoa mặt trời chuyển động liên hợp. Đây là hình ảnh tượng trưng cho sự phát triển bền vững của TP.HCM.
Đại gia đình chuột của đường hoa Nguyễn Huệ tết Canh Tý 2020 sắp hoàn thành chiều 17-1. Ảnh: VÂN THẢO
Hội hoa xuân Tao Đàn, Phú Mỹ Hưng
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng tết Canh Tý 2020 mang tên Rước lộc đồng hoa diễn ra từ nay đến hết mùng 5 tết (29-1). Hội hoa xuân chia làm bốn khu vực chính: Đường xuân, Bến xuân, Vườn xuân và Góp xuân. Đường xuân dài khoảng 700 m, nằm trên tuyến đường Tôn Dật Tiên, uốn quanh hồ Bán Nguyệt. Bến xuân với ưu thế của hồ Bán Nguyệt sẽ tái hiện khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của một chợ hoa vùng sông nước, cùng với đó là khu vực thả hoa đăng cầu mong an lành, hạnh phúc cho du khách. Vườn xuân được kết nối với Đường xuân qua cầu Ánh Sao mang đến khung cảnh làng quê yên bình, thân thuộc với những giàn bầu, giàn bí, luống bắp, cải… Và Góp xuân là nơi trưng bày các tác phẩm hoa cảnh nghệ thuật của các nghệ nhân đến từ các vùng hoa kiểng nổi tiếng như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP.HCM.
Hội hoa xuân TP.HCM diễn ra tại Công viên văn hóa Tao Đàn từ ngày 25 tháng Chạp (19-1) đến hết mùng 6 tết (30-1).
Hội hoa xuân TP.HCM trưng bày, triển lãm và các cuộc thi nghệ thuật ngành hoa, cá, kiểng, bonsai... Biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian (múa rối, đờn ca tài tử...); các trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, vẽ tranh, các hoạt động khéo tay dành cho thanh thiếu nhi...
Ngoài ra còn có các hội hoa xuân ở Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định, trục Bến Bình Đông…
Danh hài Hoài Linh tết này sẽ bám trụ ở Nhà hát Bến Thành với vở Ra Giêng anh cưới em phần 2. Ảnh: BTC cung cấp
Kịch tết Sài Gòn tấp nập với Hoài Linh, Trấn Thành
Danh hài Hoài Linh trở lại sân khấu kịch mùa tết với vai diễn Sáu Bảnh trong vở Ra Giêng anh cưới em 2. Vở hài kịch này phục vụ khán giả từ mùng 1 đến mùng 9 tết tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM).
Danh hài Hoài Linh chia sẻ: “Tôi mong khán giả có lại thói quen đi xem kịch để sân khấu được sáng đèn thường xuyên hơn và loại hình nghệ thuật này không bị mai một như nhiều bộ môn khác. Đây cũng là một tâm nguyện tôi cần thực hiện. Cách này quả thực là cực hơn nhưng tôi không có cách nào khác và cũng cảm thấy “đã” với nghề hơn. Tôi cũng hạn chế xuất hiện trên truyền hình, một phần vì lý do này. Thấy tôi trên truyền hình hoài, khán giả có lẽ cũng bớt đi xem tôi diễn”.
Cũng tại Nhà hát Bến Thành, lần đầu tiên MC Trấn Thành thử sức với vai trò đạo diễn và diễn chính trong vở kịch Lò heo quay. Vở Lò heo quay sẽ phục vụ khán giả từ mùng 1 đến mùng 6 tết. Trấn Thành cho biết: “Việc vừa làm đạo diễn, vừa tham gia diễn chính càng thêm khó khăn. Một phần là bối cảnh của Lò heo quay đã cũ với xã hội ngày nay, một phần tôi muốn đưa màu sắc và hơi thở của thời đại vào vở kịch từng rất thành công này nên ngỏ lời đề nghị, xin phép các cô chú, anh chị đi trước được làm mới vở này theo cách riêng của mình”. Lò heo quay mới vẫn lấy bối cảnh ở một làng quê nghèo nhưng sẽ là câu chuyện thâu tóm đất đai giá rẻ của các đại gia bất động sản, dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội.
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đem đến Giao kèo sống thật (tác giả Nguyễn Sơn, đạo diễn Tuyết Mai) với thông điệp ý nghĩa về cách thương yêu của cha mẹ dành cho con. Sân khấu Idecaf kể chuyện gia đình với Ác nhân cốc (tác giả Xuân Huy Hoàng, đạo diễn Tuấn Khôi); Lê Hoàng với vở Mưu bà Tú (đạo diễn Vũ Minh); Sân khấu Thế Giới Trẻ sẽ mang đến Chuyện cũ mình bỏ qua của tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo; Sân khấu nhỏ 5B với vở Tía ơi con lấy chồng của tác giả, đạo diễn NSƯT Hữu Quốc…
Phim rạp nhiều vị lạ cho mùa tết Nhiều năm liền phim Việt ra rạp mùa tết chủ yếu là phim hài nhưng năm nay phim rạp đã đa dạng thể loại. Lạ nhất trong mùa phim tết năm nay chính là bộ phim màu sắc kinh dị Đôi mắt âm dương (đạo diễn Nhất Trung) khởi chiếu từ mùng 1 tết. Đôi mắt âm dươngsẽ “đấu” cùng các phim: Gái già lắm chiêu 3 (đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân), Bí mật đảo linh xà (đạo diễn Diệp Thiên Hành - Nguyễn Duy Võ Ngọc) và 30 chưa phải tết (đạo diễn Quang Huy). Tiền nhiều để làm gì? của đạo diễn Lưu Huỳnh ra rạp từ mùng 6 tết và một phim mang màu sắc giả tưởng với những cảnh nhà cổ ma quái chính là Bí mật của gió khởi chiếu từ mùng 7 tết. |
Hà Nội Chương trình Xuân quê hương 2020 dành cho người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hôm nay (18-1) tại TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Đoàn kiều bào tiêu biểu viếng Lăng Bác, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại đền Đô (Bắc Ninh) và chào Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc tết kiều bào và chương trình giao lưu nghệ thuật truyền hình trực tiếp tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Hội chữ xuân Canh Tý diễn ra tại khu vực Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) từ ngày 18-1 đến 5-2 (24 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng). Ngoài những ông đồ tại Hà Nội còn nhiều ông đồ đến từ Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, TP.HCM…
Bên cạnh hoạt động xin và cho chữ đầu xuân, Hội chữ xuân Canh Tý còn triển lãm thư pháp năm 2020 với chủ đề Thánh Đức. Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và quốc ngữ nhằm giới thiệu những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài… Tại di tích nhà tù Hỏa Lò buổi gặp gỡ những nhân chứng lịch sử là đảng viên được kết nạp và sinh hoạt trong tổ chức Đảng thành lập tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc... cũng sẽ được tổ chức. Tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chuỗi sự kiện mang chủ đề “Xuân vùng cao” của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên; nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày xuân - loại hình văn hóa, văn nghệ đặc sắc, là một phần tâm linh trong đời sống xã hội của nhiều dân tộc thiểu số. Chương trình “Tết Việt 2020” với chủ đề “Nét bút ngày xuân” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long từ nay đến hết mùng 9 tháng Giêng. Tại đây sẽ có các chuỗi hoạt động trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện như lễ phất thức, lễ dựng cây nêu, lễ dâng hương khai xuân… Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2020 được tổ chức vào ngày 16-2 tại vườn hoa Lý Tự Trọng và mặt nước hồ Tây; giải vật truyền thống được tổ chức tại huyện Thạch Thất từ ngày 10 đến 11-2... Ngoài ra còn có triển lãm ảnh, chiếu phim mừng Đảng - mừng xuân tổ chức từ ngày 22-1 đến 4-2 tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng; triển lãm ảnh mừng Đảng - mừng xuân tại Bảo tàng Hà Nội; chiếu phim mừng Đảng - mừng xuân tại các quận, huyện, thị xã... Chương trình đón giao thừa Quê hương Mùa đoàn tụ phát sóng trên kênh VTV lúc 21 giờ 50 ngày 30 tết; cầu truyền hình đón năm mới được truyền hình trực tiếp lúc 11 giờ 40 và kéo dài tới 0 giờ 30 mùng 1 tết. V.THỊNH |
Đà Nẵng - Huế - Nha Trang • Đà Nẵng bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Canh Tý 2020 tại ba điểm gồm: cầu Nguyễn Văn Trỗi (giáp ranh giữa các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), khu vực trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Pháo hoa nghệ thuật không nhạc nền, sử dụng hệ thống bắn pháo hoa FireOne. Pháo hoa để bắn là pháo hoa tầm cao, tầm thấp, pháo hiệu ứng đặc biệt. Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức hai bên sông Hàn.
• Huế chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước” diễn ra từ 22 giờ đến 0 giờ 15 phút mùng 1 tết tại bia Quốc học. Bắn pháo hoa tầm cao tại TP Huế (1.000 quả) và thị xã Hương Thủy (500 quả). Hội hoa xuân ở Nghênh Lương Đình, Cung An Định, đường Nguyễn Đình Chiểu… Chương trình nghệ thuật đêm giao thừa tại bia Quốc học và các hoạt động tại các tuyến phố đi bộ Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu đi bộ trên sông Hương… Đặc biệt, năm nay Thừa Thiên-Huế có chương trình 3D mapping “Trình chiếu ánh sáng laser tương tác kỹ thuật số trên sông Hương”, tham quan di tích Huế miễn phí từ mùng 1 đến mùng 3 tết. Nha Trang mang tết đến Trường Sa. Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng nhiều nhà báo vừa hoàn thành chuyến thăm, tặng quà và chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. TP Nha Trang bắn pháo hoa tầm thấp tại quảng trường 2/4 - TP Nha Trang. Đường hoa tết ở TP Nha Trang tập trung trên một số tuyến đường như Lê Thánh Tôn, ngã sáu Nha Trang, Tô Hiến Thành... Nhiều du khách nước ngoài đang lưu trú tại TP Nha Trang như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... cũng háo hức dạo phố hoa, phố đèn lồng để cảm nhận không khí đón tết Nguyên đán cùng người dân địa phương. T.AN - N.DO - N.TÝ |
Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ): Địa điểm tham quan tâm linh này tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở miền Tây. Hằng năm, mỗi dịp tết Nguyên đán, Phật tử và du khách khắp nơi về đây để cầu cho một năm mới an lành và mọi sự như ý. Cầu đi bộ bến Ninh Kiều: Nơi đây còn có cầu đi bộ là điểm hẹn của các cặp đôi, về đêm cầu đi bộ càng trở nên thơ mộng hơn bên dòng sông Hậu hiền hòa thu hút nhiều du khách phương xa và cả địa phương.
Làng hoa Sa Đéc: Tham quan làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) vào những ngày tết (ảnh), du khách có dịp thưởng lãm hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc,… Nhà công tử Bạc Liêu, cánh đồng quạt gió Bạc Liêu: Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc ở phường 3, TP Bạc Liêu, nơi đây còn giữ được nét thiết kế mang đậm phong cách Pháp. Nhiều bạn trẻ phát sốt khi đến Mũi Cà Mau: Là vị trí thiêng liêng của dân tộc, nằm ở nơi cực nam của Tổ quốc, mũi Cà Mau cách TP Cà Mau hơn 100 km. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến tham quan du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đến An Giang tham quan chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam… CHÂU ANH HÀO |