Phi đội máy bay chiến đấu MiG-27UPG cuối cùng của không quân Ấn Độ sẽ thực hiện chuyến bay sau cùng từ căn cứ không quân Jodhpur (bang Rajasthan, tây bắc Ấn Độ) vào ngày 27-12 tới, sau đó sẽ được chính thức “cho về hưu” - India Today dẫn một nguồn tin quan chức nước này cho biết.
Trước đó, vào năm 2017, không quân Ấn Độ từng “cho về hưu” hai phi đội MiG-27 sau chuyến bay cuối cùng tại căn cứ không quân Hashimara ở bang Bengal (phía đông Ấn Độ).
Những chiếc máy bay chiến đấu tấn công mặt đất MiG-27 được sản xuất cho Không quân Liên bang Xô viết vào năm 1975. Ấn Độ bắt đầu nhận chuyển giao những chiếc MiG-27 từ Liên bang Xô viết vào năm 1984.
Sau đó một năm, Công ty Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ bắt đầu sản xuất các phiên bản MiG-27 nội địa và công việc này dừng lại vào năm 1996 sau khi sản xuất 165 chiếc MiG-27. Đến năm 2004, Hindustan Aeronautics Limited bắt đầu cập nhật chúng lên thành MiG-27UPG. Tổng cộng, không quân Ấn Độ được cho sở hữu khoảng 210 chiếc MiG-27 nhiều phiên bản.
Ấn Độ sẽ cho toàn bộ máy bay chiến đấu MiG-27 "về hưu" vào tháng sau. Ảnh: SPUTNIK
Những chiếc MiG-27 có động cơ mạnh và cánh được thiết kế linh động, được trang bị các tên lửa, hỏa tiễn có độ chính xác cao, và bom được dẫn đường bằng laser.
Trước khi được “cho về hưu”, những chiếc MiG-27 được phân bổ thành bảy phi đội, là lực lượng chủ lực của khả năng tấn công mặt đất của không quân Ấn Độ trong suốt hai thập niên 1990-2000.
Theo India Today, những chiếc MiG-27 có một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Kargil năm 1999, giúp Ấn Độ giành lại được huyện Kargil ở vùng tranh chấp Kashmir trước láng giềng Pakistan. Ấn Độ mất một chiếc MiG-27 trong trận chiến này vì lỗi kỹ thuật.
Những năm gần đây những chiếc MiG-27 đã bắt đầu cho thấy hạn chế tuổi tác của mình. Và Ấn Độ đã rơi mất hơn chục chiếc MiG-27.
Những năm gần đây những chiếc MiG-27 đã bắt đầu cho thấy hạn chế tuổi tác của mình. Ảnh: SPUTNIK
Nga đã ngưng khai thác những chiếc MiG-27 từ đầu thập niên 1990 sau cuộc Chiến tranh lạnh.
MiG-27 cũng đã từng được sử dụng trong lực lượng không quân các nước thuộc khối quân sự Warsaw (tám nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu gồm Liên Xô, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc) cũng như ở các nước Sri Lanka, Cuba, Iraq, Libya, Algeria... Các nước này đã ngưng sử dụng MiG-27. Và một khi Ấn Độ “cho về hưu” MiG-27 thì Kazakhstan sẽ là nước cuối cùng còn khai thác loại máy bay này.
Ấn Độ từng là một khách hàng và đối tác lớn của ngành công nghiệp máy bay quân sự Nga trong hàng thập niên với nhiều hợp đồng trị giá hàng tỉ USD ký với các nhà sản xuất Nga để được cung cấp máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, trực thăng… Bên cạnh MiG-27, Ấn Độ còn sở hữu nhiều mẫu máy bay khác của Nga như MiG-21 Bison, MiG-29UPG, Sukhoi Su-30MKI, Beriev A-50 AEWACS, máy bay tiếp liệu trên không Ilyushin Il-78, máy bay vận chuyển chiến lược Ilyushin Il-76, trực thăng Mil Mi-17, máy bay tấn công lên thẳng Mil Mi-24...