Hai tháng rưỡi sau đợt xung đột với Ấn Độ, Không quân Pakistan lại vừa cho triển khai máy bay chiến đấu F-16, báo Economic Times dẫn lời một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết.
Các nguồn tin cho biết những chiếc F-16 được triển khai từ các căn cứ ở tỉnh Punjab của Pakistan đến các khu vực vệ tinh và được chia ra đậu rải rác, nhằm tránh nguy cơ thiệt hại lớn nếu Ấn Độ lại không kích.
Theo các nguồn tin, sau đợt xung đột hai tháng rưỡi trước, Không quân Pakistan luôn có mặt ở các địa điểm tiền trạm dọc biên giới hai nước. Và tới thời điểm này Không quân Pakistan vẫn lo ngại về sự an toàn của lực lượng F-16 của mình, sau đợt xung đột mà Ấn Độ nói mình đã bắn rơi một chiếc F-16 của Pakistan.
F-16 của Không quân Pakistan. Ảnh: AFP
Đợt căng thẳng mới nhất giữa hai nước bắt đầu từ việc xảy ra một vụ đánh bom tự sát nhằm vào đoàn xe của lực lượng bán quân đội Ấn Độ ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 14-2, làm 40 thành viên đoàn xe thiệt mạng. Nhóm phiến quân Hồi giáo Jaish-e-Mohammed ở Pakistan nhận trách nhiệm. Ấn Độ phản ứng bằng cách triển khai máy bay sang phần đất Kashmir phía Pakistan không kích xuống trại huấn luyện của nhóm Jaish-e-Mohammed. Pakistan triển khai máy bay đánh chặn các máy bay Ấn Độ vi phạm biên giới.
Pakistan nói đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của Không quân Ấn Độ trong đợt giao chiến trên không ngày 27-2. Một trong 2 chiếc là MiG 21 Bison do Nga sản xuất bị bắn rơi trên phần đất Kashmir do Pakistan kiểm soát. Viên phi công nhảy dù và bị phía Pakistan bắt sau đó trao trả lại cho Ấn Độ ngày 1-3. Pakistan có công bố hình ảnh bắt phi công và các hình ảnh chiếc MiG 21 Bison của Ấn Độ bị phá hủy.
Một binh sĩ Pakistan đứng gác gần xác chiếc máy bay MiG 21 Bison Ấn Độ bị phía Pakistan bắn rơi hồi tháng 2. Ảnh: AP
Phần mình, Ấn Độ cho biết trong trận giao chiến trên không này lực lượng vũ trang của mình đã bắn rơi một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Pakistan (do Mỹ cung cấp). Ấn Độ nói chiếc F-16 của Pakistan bị chính chiếc MiG 21 Bison của Ấn Độ bắn rơi trước khi chiếc MiG 21 Bison bị một tên lửa Pakisstan bắn trúng.
Ấn Độ còn nói máy bay F-16 của Pakistan đã sử dụng tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C trong trận không chiến, như một bằng chứng nữa cho thấy Pakistan đã dùng F-16 trong vụ việc vừa rồi với Ấn Độ.
Các quan chức Không quân Ấn Độ công bố một mảnh tên lửa AIM-120C được cho là do máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Pakistan bắn ra khi hai bên xung đột hồi tháng 2. Ảnh: AFP
Phần mình, Pakistan bác bỏ chuyện mình có dùng F-16 trong trận không chiến này – một việc vi phạm điều khoản hợp đồng cung cấp F-16 với Mỹ.
Ấn Độ công bố hình ảnh radar cho thấy có 1 chiếc F-16 của Pakistan bị bắn rơi. Ảnh: ANI
Để khẳng định phát ngôn của mình, ngày 8-4, Không quân Ấn Độ công bố hai hình ảnh radar cảnh giao chiến giữa chiếc MiG 21 Bison của mình do phi công Abhinandan Varthaman điều khiển và một chiếc F-16 của Pakistan như một “bằng chứng không thể bác được” rằng một chiếc F-16 của Pakistan đã bị bắn rơi.