Chế độ ăn kiêng low-carb là loại bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng carbohydrate có trong thực phẩm nhiều tinh bột, đường; ăn thoải mái thức ăn giàu protein và chất béo.
Theo TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, ưu điểm của chế độ ăn này là giúp chị em kiểm soát cảm giác đói tốt hơn. Lý do là quá trình chuyển hóa 1 g carbohydrate (có nhiều trong gạo, mì, cà rốt, một số loại rau nhiều tinh bột…) cho 4 kcal rất ngắn nhưng để chuyển hóa 1 g protein ra 4 kcal thì rất dài. Để chuyển hóa lượng protein như vậy đòi hỏi dạ dày, dịch tụy… làm việc rất vất vả, đặc biệt là thận bị áp lực lớn phải làm việc nhiều hơn để đào thải nitơ.
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam thì cho rằng ăn low-carb là sai lầm hoàn toàn. Cơ thể con người không thể không ăn tinh bột (chứa gluxit). Gluxit là chất cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn hữu ích, hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi, giảm cholesterol và điều hòa huyết áp.
Thực tế nhiều người mới áp dụng ăn theo chế độ này thường bị hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi... Gluxit khi vào cơ thể chuyển hóa thành đường - rất quan trọng cho hoạt động của não bộ. Nếu thiếu đường, não sẽ bị thiếu oxy, năng lượng, ảnh hưởng đến thần kinh. Ngoài ra đường cũng đóng vai trò quan trọng với gan, nếu không có đường, gan không hoạt động được.
"Mọi người không nên tuyệt đối kiêng tinh bột mà chỉ nên hạn chế. Quan điểm của tôi là ăn đa dạng, ăn hạn chế chứ không nên kiêng tuyệt đối cái gì" - TS Từ Ngữ nói.
Theo các chuyên gia, chị em cần lưu ý chọn cách ăn kiêng phù hợp, không nên giảm cân 2-3 kg trong một tuần. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là nên giảm 5-10% cân nặng trong vòng 3-6 tháng. Đây là quá trình giảm cân an toàn, cũng là thời gian đủ để cơ thể thích nghi, đủ để da giãn ra rồi đàn hồi lại, không bị nhăn nheo… Cắt giảm khẩu phần ăn song vẫn đảm bảo đủ chất bột đường, tối thiểu 120-130 g carbohydrate (khẩu phần ăn bình thường trên 300 g carbohydrate), an toàn hơn cho sức khỏe.
Kể cả khi giảm cân có chủ ý và có kiểm soát thì người giảm cân vẫn có thể gặp hai nguy cơ là bệnh sỏi mật và giảm mật độ xương. Một phụ nữ giảm 4-10 kg thể trọng thì tăng 44% nguy cơ bệnh sỏi mật; càng giảm cân thì càng tăng mối nguy này. Mật độ xương tăng ở bệnh nhân béo phì và giảm sau khi giảm cân.
Theo Phương Trang (vnexpress)