Án oan làm nóng nghị trường

Oan, sai trong tố tụng hình sự không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, oan án 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) - người con duy nhất của một liệt sĩ chống Mỹ, nhờ vậy mà được “khoan hồng” cho hưởng án chung thân trong một vụ giết người không do mình gây ra - đã làm nóng bỏng phiên chất vấn của QH với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, vắt từ sáng tới giữa buổi chiều 21-11.

Một chất vấn dính trách nhiệm ba ngành

ĐB Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Hằng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn xin giám đốc, tái thẩm những bản án đã có hiệu lực pháp luật, chứng tỏ người dân chưa thực sự tin vào công lý. Vậy giải pháp của chánh án thế nào? “Vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu và chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho dân? Liệu còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu?” - ông Thuyền hỏi rất ví von.

Tiếng cười trong hội trường vừa dứt thì ĐB Lê Thị Nga đặt câu hỏi rất nghiêm túc cho cả ba vị đứng đầu cơ quan tố tụng - TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an: “Một, trách nhiệm của ngành trong việc để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan và giải pháp chống oan thời gian tới? Hai, có những phản ánh về điều tra viên ép, bức cung, nhục hình nên phải nhận tội mà mình không thực hiện. Các đồng chí có giải pháp gì để chống lại vi phạm này?”.



Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: “Oan với người bị buộc tội mức cao 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận. Còn xét xử có phát hiện ra ép cung hay không là một điều rất khó”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Liệu còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu?”.

Đến phần trả lời, Chánh án Trương Hòa Bình dẫn ra các số liệu khẳng định tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm/tái thẩm đã tăng lên rất cao, năm 2013 đạt 63,3% cho thấy những nỗ lực của ngành tòa án. Riêng con số để đánh giá niềm tin của người dân vào bản án của tòa, ông Bình cho biết mỗi năm cả ngành nhận được khoảng 5.000 đơn, tính trên tổng số 370.000 vụ việc thì không nhiều. “Tôi tham khảo kinh nghiệm các nước, thấy lượng đơn người ta cũng xấp xỉ như mình thôi” - ông Bình nói.

Tòa khó phát hiện được ép cung

Về vấn đề án oan, đầu tiên chánh án khẳng định cán bộ các cơ quan tố tụng “là cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân... và đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là “trên thực tế cũng có để xảy ra oan sai” và “oan với người bị buộc tội mức cao 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận”.

“Xét xử có phát hiện ra ép cung hay không là một điều rất khó” - người đứng đầu ngành tòa án nói và lý giải theo quy định hiện hành, điều tra đã có sự tham gia từ đầu của kiểm sát, ở tất cả các bước bắt, giữ, tạm giam, khởi tố, truy tố. Đến khi xét xử thì VKS cũng kiểm sát cả xét xử. Nếu có ép cung, nhục hình thì luật sư phải chứng minh. Còn ra tới tòa, HĐXX chỉ dựa trên tài liệu, chứng cứ theo hồ sơ VKS chuyển sang. Cho nên hồ sơ đã “khép kín” thì khó mà chỉ ra chuyện ép cung được.

Vậy giải pháp là gì? Theo Chánh án Bình, với ngành tòa án, không có cách nào khác là phải nâng cao trình độ bản lĩnh của thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký. Trong quá trình nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ phải tinh thông, nhạy bén; đủ bản lĩnh để phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố. “Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của cán bộ công chức ngành tòa án” - ông nói.

Ngoài ra, trước những bức xúc của cử tri về nguy cơ oan, sai trong các vụ án hình sự, người đứng đầu ngành tòa án cho biết đang chỉ đạo rà soát tất cả bản án hình sự có khiếu nại kêu oan mà có ý kiến, bút phê của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của MTTQ hay báo chí và ĐBQH nêu. Trong số này, sẽ tập trung vào những vụ án mà có hình phạt cao hoặc chung thân, tử hình. “Những vụ việc ấy, nếu phát hiện tình tiết tái thẩm, chúng tôi sẽ phối hợp với VKSND Tối cao để xem xét” - ông Bình cam kết.

Sẽ có đề án chống bỏ lọt, làm oan

Chỉ một chất vấn của ĐB Lê Thị Nga mà đụng tới trách nhiệm của cả viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng Công an. Theo yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, buổi chiều, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã giải trình bằng một bài được chuẩn bị sẵn.

Theo đó, bộ trưởng Công an khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành là không bỏ lọt nhưng cũng không làm oan người vô tội, đồng thời nghiêm cấm ép cung, nhục hình. Với những việc sai trái xảy ra, ở khâu điều tra thì thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Còn ở phạm vi cả nước, “Bộ Công an phải chịu trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của các cơ quan điều tra, kể cả việc để xảy ra oan sai” - ông nói.

Về giải pháp phòng ngừa, ông Quang nhắc lại các giải pháp như thường xuyên giáo dục, nâng cao trình độ cán bộ điều tra; đòi hỏi quá trình điều tra phải thu thập cả yếu tố buộc tội lẫn gỡ tội. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, mà điển hình là việc tước quân tịch, truy tố những điều tra viên Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội nhục hình làm chết người bị tạm giữ. Và để căn cơ, lâu dài, hiện Bộ Công an đang xây dựng đề án chống bỏ lọt, làm oan trong điều tra hình sự.

Trong chất vấn, ĐB Nga đề xuất hai giải pháp: Lắp camera buồng hỏi cung để giám sát, ngăn ngừa bức cung, nhục hình; và chuyển việc quản lý tạm giam, tạm giữ, trại giam từ Bộ Công an sang ngành khác độc lập hơn, tránh tình trạng công an vừa giam vừa điều tra, dễ lạm quyền.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết việc lắp camera đang được nghiên cứu và đã triển khai ở một số nơi. Tuy nhiên, đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí. Riêng vấn đề giam, giữ, ông cho biết: “Cơ quan điều tra không quản lý mà tập trung thống nhất ở Tổng cục Thi hành án hình sự”.

Đừng làm nhụt ý chí đấu tranh

Liên quan đến vụ ông Chấn, vấn đề có ép cung, nhục hình hay không, nếu có thì đó là điều không thể chấp nhận được nhưng cũng phải được chứng minh chứ chúng ta không thể nói được ngay là có ép cung.

Hiện tôi cũng được biết Bộ Công an đang kiểm điểm lại vụ việc. Cán bộ nào vi phạm, công an, kiểm sát, tòa án đều phải bị xử lý. Nếu có xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải xem xét trách nhiệm hình sự. Nhưng chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng, nếu không khéo thì sẽ làm nhụt ý chí, tinh thần đấu tranh với tội phạm của những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, nguy hiểm.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Năm việc cần làm ngay để xử lý án oan

Phát hiện án oan sai, cần cấp thiết tiến hành ngay năm việc:

1. Kịp thời minh oan cho người bị oan;

2. Tích cực điều tra tìm ra người gây án;

3. Bồi thường cho người bị án oan;

4. Xem xét trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ oan sai, truy cứu cá nhân, tập thể vi phạm nếu có;

5. Tổ chức rút kinh nghiệm nghiệp vụ, đánh giá nguyên nhân, kiến nghị giải pháp”.

Viện trưởng VKSND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

Đề nghị xem xét lại vụ án vườn mít

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình xem xét vụ án mà dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua là vụ án Lê Bá Mai phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em tại Bình Phước (vụ án vườn mít). Theo tôi thấy vụ Lê Bá Mai có dấu hiệu cũng bị oan sai. Vụ án qua bốn lần xét xử và cũng có bản án tòa án tuyên Lê Bá Mai vô tội. Vậy vụ án sẽ còn tiếp tục giám đốc thẩm hay không?

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: Cách đây không lâu, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án và tuyên Mai có tội (mức án chung thân). Bản án này đã có hiệu lực pháp luật và chánh án tôn trọng quyết định của HĐXX. Nếu vụ án còn tiếp tục có đơn kêu oan, kiến nghị giám đốc thẩm thì các cơ quan chức năng của TAND Tối cao sẽ xem xét lại vụ án theo đúng trình tự, thủ tục quy định với tinh thần trách nhiệm cao nhất để không gây oan sai cho người vô tội.

____________________________________________

Né tránh

Chất vấn chánh án TAND Tối cao lần này, các đại biểu (ĐB) QH đề cập nhiều tới vấn đề oan sai, bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, tôi thấy bên trả lời chưa được sâu lắm và các ĐB cũng chưa đi đến cùng được. Có thể vì bố trí thời gian, cách thức tổ chức chất vấn chưa hợp lý song về cơ bản, lãnh đạo ba ngành tố tụng còn né tránh.

Như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chẳng hạn, từng công tác trong ngành tòa án, tôi cho rằng kháng nghị tái thẩm là không đúng. Nỗi oan của ông ấy là do các vi phạm tố tụng nghiêm trọng chứ không phải do chưa tìm ra hung thủ hay hung thủ chưa ra đầu thú, mà vi phạm tố tụng ở đây trước hết là khâu điều tra. Bức cung, nhục hình, dựng lên oán thán thế mà cả bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao đều không chỉ ra giải pháp hiệu quả nào để khắc phục.

Bộ trưởng thì liệt kê hàng loạt chỉ thị ban hành từ năm 2011 trở về trước, khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia ngay từ khi thân chủ bị bắt, giữ nhưng thực tế hiệu quả thế nào? Luật sư vẫn than khó, vẫn nói bị cản trở. Rồi bộ trưởng dẫn ra việc tước quân tịch, truy tố mấy điều tra viên ở Thạch Thất, Hà Tây cũ, bức cung làm chết người, bảo như thế là nghiêm. Thế không làm chết người nhưng gây oan cho ông Chấn thì sao? Đã tước những danh hiệu, thi đua, khen thưởng, lon quân hàm mà vì thành tích phá án nhanh, mấy điều tra viên, kiểm sát viên đó được hưởng?

Ngay tỉnh Bắc Giang, từ vụ ông Chấn, báo chí lật lại hàng loạt vụ oan dậy đất như bắt, nhục hình các nhà sư, buộc tội họ trộm cổ vật, đã kết luận là sai rồi. Sao không thấy xử lý, kết luận những điều tra viên bức cung, nhục hình?

Thiết nghĩ QH cần có giám sát chuyên đề sâu vào chủ đề này chứ chất vấn mấy chút thì không thể ra trách nhiệm được.

ĐB NGUYỄN VĂN HIẾN (Bà Rịa-Vũng Tàu)

“Thiếu lửa”

Nhiều ĐBQH cũng chưa hài lòng lắm vì cách trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành vẫn như các năm, tức là vẫn nói rất dài về tình hình công tác của ngành mình mà chưa trả lời trực diện vào những câu hỏi của ĐBQH. Người ta chỉ hỏi là có tiêu cực, có tham nhũng hay không trong ngành của anh, hoặc việc đó anh đã xử lý thế nào? Khi ĐB hỏi như thế lẽ ra các bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời trực diện vào câu hỏi nhưng lại trả lời vòng vo.

Cái thiếu của chất vấn lần này là tôi cảm giác thấy “thiếu lửa”. “Thiếu lửa” ở đây không phải là sự gay gắt mà chính là nhiệt huyết, truy tận cùng của vấn đề. Không có điều đó nên sau chất vấn mà không hành động, chuyển động thì mọi thứ đều vô nghĩa. Lúc đó chất vấn không mấy ý nghĩa nữa.

Điều cuối cùng khiến tôi băn khoăn, có những vấn đề nóng của một số vị bộ trưởng nhưng không được đưa ra chất vấn lần này. Cử tri hỏi tôi, đặt vấn đề liệu QH có né vấn đề nóng không? ĐBQH cũng đã hỏi nhiều nhưng chắc Đoàn Chủ tịch và Thường vụ QH cân nhắc lựa chọn những người nào để trả lời. Rõ ràng có vấn đề cử tri đặt ra nhiều vấn đề nóng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng trên diễn đàn QH.

ĐB LÊ NHƯ TIẾN (Quảng Trị)

Vòng vo

Cá nhân tôi chưa thấy thỏa mãn với trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trường ngành. Bởi người đứng đầu là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm toàn bộ đối với đơn vị của mình. Nhưng nhiều người vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm hoặc thể hiện trách nhiệm của mình chưa rõ ràng trong phiên chất vấn.

Thứ hai, đã là chất vấn thì hỏi gì phải đáp nấy chứ không nên dẫn đắt, vòng vo đi ngoài nội dung câu hỏi. Ví dụ như ĐB hỏi bộ trưởng Bộ Nội vụ về tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thì bộ trưởng lại trả lời chung chung, thậm chí đưa chủ trương, đường lối của Đảng ra đọc.

ĐB LÊ THANH VÂN (Hải Phòng)

THÀNH VĂN - NGHĨA NHÂN thực hiện

NGHĨA NHÂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới