Ăn nội tạng động vật, đừng bỏ qua những điều này

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng động vật có hàm lượng calo tương tự thịt nạc (từ 100-150 calo/100 gram), hàm lượng protein khoảng 16-22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Do đó, người tiêu thụ nhiều thực phẩm này sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch.

Mối nguy khi ăn nội tạng động vật

Ngoài ra, theo Viện dinh dưỡng, thường xuyên ăn nội tạng động vật sẽ khiến chúng ta đối mặt với nhiều mối cho sức khỏe. Nếu như ăn phải nội tạng động vật không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người như bệnh liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, lòng lợn bị nhiễm bệnh. Người bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Bên cạnh đó, một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Ngoài ra, nội tạng động vật còn có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu... các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và thậm chí có thể tử vong.

Hầu hết nội tạng động vật đều an toàn nếu bạn sử dụng với tần suất thấp. Ảnh: H.Quyên

Ăn nội tạng động vật, sao cho an toàn?

Theo các chuyên gia, hầu hết nội tạng động vật đều an toàn nếu bạn sử dụng với tần suất thấp. Để hạn chế những tác hại mà nội tạng động vật có thể gây ra, chỉ nên mua nội tạng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ. Tuyệt đối không được ăn nội tạng chưa nấu chín.

Lượng sử dụng nội tạng động vật phù hợp với mỗi người: Người trưởng thành chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần (khoảng 50-70g/lần), trẻ em ăn 2 lần/tuần (khoảng 30-50g mỗi lần).

Không để chung thực phẩm chín và sống cùng nhau, tránh tình trạng nhiễm chéo từ các nguồn thực phẩm bẩn khác. Bảo quản thực phẩm chín ở nơi khô ráo, sạch sẽ.

Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa như tieru đường, huyết áp, gout hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm