Chính phủ Anh do Thủ tướng David Cameron đứng đầu đã quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 dựa vào thông tin sai lệch và phân tích không toàn diện. Báo cáo đã vạch ra nhiều sai lầm trong tiến trình quyết định can thiệp vào Libya với lý do bảo vệ dân thường bị nhà độc tài Gaddafi đàn áp.
Báo cáo nêu chính phủ không thể xác minh mối đe dọa thực sự của chế độ Gaddafi đối với dân thường. Chính phủ chỉ đọc rồi chọn ra một số yếu tố trong luận điệu của Gaddafi. Báo cáo đánh giá không có bằng chứng cho thấy chính phủ Anh đã tìm cách phân tích về bản chất của phe nổi dậy ở Libya, do đó không biết các phần tử Hồi giáo cực đoan tìm cách lợi dụng phe nổi dậy để lật đổ Gaddafi.
Báo cáo có đoạn: “Do cộng đồng quốc tế bất lực trong bảo đảm an toàn cho số vũ khí bị quân đội chính phủ bỏ lại, bất ổn đã gia tăng ở Libya dẫn đến chủ nghĩa khủng bố bành trướng ở Bắc Phi, Tây Phi và Trung Đông”, “hậu quả của chính sách can thiệp là tình hình sụp đổ về chính trị và kinh tế ở Libya, chiến tranh giữa các bộ tộc và dân quân, khủng hoảng nhân đạo và di dân, vi phạm nhân quyền hàng loạt”.
Báo cáo kết luận: Thủ tướng David Cameron là người chịu trách nhiệm cuối cùng về sự thất bại ở Libya. Trả lời hãng tin BBC, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Crispin Blunt giải thích lúc đó chính phủ Anh bị thái độ nhiệt tình của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lôi kéo nên mới quyết định can thiệp vào Libya.
Ông nhận định đúng ra chính phủ của Thủ tướng Cameron vẫn có thể ưu tiên cho nhiều giải pháp khác như giải pháp chính trị thì sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn. Ông giải thích: “Chỉ cần một cam kết chính trị sẽ có thể bảo vệ dân thường, thay đổi và cải tổ chế độ Libya với chi phí rẻ hơn cho Anh và Libya”.
Báo cáo nêu rõ ông Cameron không ra làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện với lý do quá bận. Trong khi đó có nhiều nhân vật ra làm chứng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox, cựu Ngoại trưởng William Hague, cựu Thủ tướng Tony Blair.
Ông Tony Blair giải thích trước Ủy ban Đối ngoại rằng vào tháng 2-2011, ông đã điện đàm với Gaddafi để thuyết phục Gaddafi từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Cameron đã không khai thác mối tiếp xúc này.
Nửa thập niên sau khi Gaddafi bị lật đổ, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn (ảnh). Chính phủ đoàn kết dân tộc do LHQ hậu thuẫn không quản lý được lãnh thổ từ khi cầm quyền vào tháng 3.