Câu chuyện đặc biệt của Đại úy Cường được đưa ra trong dịp giao lưu “Gương sáng phố phường” nhân kỉ niệm 71 năm ngày truyền thống Công an nhân dân và 11 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chương trình được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP (quận 1, TP.HCM) vào tối 19-8.
Trong đêm giao lưu, khán giả đã được nghe nhiều câu chuyện xúc động, đáng quý từ những gương sáng phố phường trên toàn địa bàn TP.
Đại úy Châu Tuấn Cường và bà Nguyễn Thị Ngà giao lưu tại buổi kỷ niệm. Ảnh: THANH TUYỀN
Đại úy Cường kể năm 2010, anh nhận tin báo một cháu bé 18 tháng tuổi bị bắt cóc. Cha mẹ cháu bé khá giả và có phòng trọ cho thuê. Trong một lần anh chị ra ngoài, có hai người lạ vờ đến xem phòng trọ. Chị giúp việc vừa đặt em bé xuống để đi gọi điện thoại cho chủ nhà thì chúng bồng em bé trốn mất.
Sau đó, nhóm bắt cóc gọi điện thoại yêu cầu chuẩn bị 600.000 USD tiền chuộc. Một chuyên án được lập ra tức thì để truy bắt các đối tượng. Anh Cường đóng vai xe ôm để theo dõi các mối quan hệ có nghi vấn với chủ nhà. Ngoài thời gian ra ngoài xác minh, anh và đồng đội ém ở nhà nạn nhân để canh gác 24/24. Suốt ba tháng ròng rã theo dõi, cuối cùng anh và đồng đội cũng đã bắt được bọn bắt cóc.
Một tình huống bắt cướp được tái hiện trong buổi giao lưu. Ảnh: THANH TUYỀN
Thời gian đó anh không nói với vợ về công việc của mình vì sợ vợ lo lắng, hơn nữa đây lại là bí mật công việc. Chính điều này đã khiến anh gặp phải tình huống tiến thoái lưỡng nan.
Đại úy Cường nhớ lại: “Một lần khi đang đóng vai xe ôm để theo dõi đối tượng, vợ tôi gọi điện thoại hỏi: "Anh nghỉ làm công an để chạy xe ôm khi nào mà em không biết?". Câu hỏi của vợ khiến tôi quá bối rối, không biết giải thích sao”. Về nhà hỏi ra mới biết một người quen nhìn thấy anh chạy xe ôm trên đường đã về kể lại cho chị nghe.
Tại buổi giao lưu, bé Ngọc (cháu gái bị bắt cóc sáu năm về trước) cùng cha đã một lần nữa gửi lời cảm ơn đến Đại úy Cường. Đại úy Cường tâm sự anh cảm nhận như có một sợi dây gắn kết nào đó, anh xem Ngọc như con gái của mình.
Bé Ngọc cùng cha đến buổi giao lưu và cảm ơn Đại úy Cường. Ảnh: THANH TUYỀN
Không tham gia bắt cướp như Đại úy Cường, bà Nguyễn Thị Ngà (84 tuổi), tổ trưởng tổ phụ nữ 111, phường 7, quận Phú Nhuận, làm công việc thầm lặng nhưng mang lại nhiều ý nghĩa cho người dân ở khu phố của mình.
Suốt nhiều năm nay, bà lo thủ tục ma chay cho những gia đình nghèo ở khu phố có người mất. Không có tiền, bà bán một vài thứ trong nhà để giúp đỡ họ. Bên cạnh đó, bà còn đến từng nhà vận động cho trẻ đến trường, ai đang nghiện ma túy nếu biết được bà cũng cố gắng động viên đi cai nghiện…
Nói về những việc làm của mình, bà cho biết sẽ làm đến khi nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi chứ không bỏ được.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP trao quyết định thành lập Quỹ "Vì bình yên cuộc sống". Ảnh: THANH TUYỀN
Cũng trong dịp này, UBND TP.HCM cũng đã cho ra mắt Quỹ “Vì bình yên cuộc sống” với mong muốn thắt chặt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Công an TP cùng sáng lập. Trong thời gian tới, quỹ sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động một cách bền vững, tổ chức, xây dựng lại đội săn bắt cướp một cách hiệu quả từ quần chúng và lực lượng công an để đảm bảo tình hình an ninh TP.