Trước chặng thứ 30, chặng cuối cuộc đua, Nguyễn Thành Tâm dù đang giữ kỷ lục về số chặng mặc áo vàng và đứng trước cơ hội mặc áo vàng chung cuộc đã chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đang giữ thành tích tốt nhất nhưng tôi nhận thấy mình chưa phải là tay đua mạnh nhất giải đấu “Non sông liền một dải” này…”.
Tổng hành trình 30 chặng, dài hơn 3.200 km từ Lạng Sơn xuống mũi Cà Mau, quay về TP.HCM và chỉ cần về đích cùng đoàn đua vào trưa 30-4, Nguyễn Thành Tâm sẽ trở thành tay đua có tổng thời gian chinh phục lộ trình ít nhất. Điều mà ngay cả ban huấn luyện êkíp Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang hay bản thân Tâm cũng không dám nghĩ tới trước cuộc đua.
Tay đua người Tịnh Biên, An Giang bộc bạch: “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình giành áo vàng chung cuộc. Ban đầu mục tiêu áo vàng được ban huấn luyện xác định vào hai mũi nhọn Lê Ngọc Sơn và Sarda Javier. Đây cũng là hai vận động viên (VĐV) đi đèo mạnh nhất đội. Trong huấn luyện, tôi leo đèo không khá hơn các đồng đội trẻ nên khi nhận trọng trách giành áo vàng, áp lực đã khiến tôi nhiều đêm mất ngủ”.
Nguyễn Thành Tâm giữ kỷ lục về số chặng mặc áo vàng và sẽ trở thành tay đua có thành tích tốt nhất trong cuộc đua lịch sử. Ảnh: PHẠM HUY
Êkíp Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM thiệt quân số, chỉ còn bốn cuarơ nhưng vẫn xuất sắc bảo vệ thành tích nhất đồng đội. Ảnh: PHẠM HUY
Nhớ lại cú “ngã ngựa” năm 2016 (áo vàng chung cuộc sau đó về tay Nguyễn Trường Tài), Tâm nói: “Tôi thầm cảm tạ ơn trên ban cho mình sự cố rất đau trên đường đua nhưng lại là bài học lớn để mình chiến thắng mình khi “ngã ở đâu đứng lên ở đó”. Nhờ cú ngã đó mà tôi mới có may mắn như ngày hôm nay”.
Lần đó sau 11 chặng liền qua nhiều cung đường hiểm trở, Nguyễn Thành Tâm thống lĩnh liền hai danh hiệu cao quý nhất: áo vàng, áo xanh cùng ngôi nhất đồng đội. Tuy nhiên, ở chặng tranh tài thứ 12, “thành trì An Giang” tưởng chừng bất khả xâm phạm bỗng chốc sụp đổ chỉ sau 97 km từ Quy Nhơn về Tuy Hòa. Năm đấy, ngoài việc để mất chiếc áo vàng về tay Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) trên đỉnh dốc Găng, do nôn nóng gỡ giờ, Tâm nhận thêm cú té chí mạng khiến anh rớt xuống hạng 14 tổng sắp. Kể từ lần đó, câu nói nổi tiếng “ngã ở đâu đứng lên ở đó” được anh khắc cốt ghi tâm và đã thực hiện trong cuộc đua lịch sử 30 chặng suốt chiều dài đất nước này.
Kỳ lạ thay, món nợ hai năm trước được Nguyễn Thành Tâm thanh toán sòng phẳng với Thanh Tùng ngay trên mảnh đất Phú Yên. Tại chặng tranh tài 15, đua 44 km vòng quanh TP Tuy Hòa, tức 11 chặng liền Huỳnh Thanh Tùng độc chiếm áo vàng, chiến thắng nhất chặng cùng 10 giây thưởng chính thức giúp Tâm đoạt ngai đối thủ.
Trong sự nghiệp của mình, tay đua 26 tuổi sưu tập đủ trọn bộ danh hiệu cao quý nhất cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình. Năm 2012, Nguyễn Thành Tâm đoạt áo trắng - Tay đua trẻ xuất sắc nhất. Một năm sau, anh giành áo đỏ - Vua leo núi. Năm 2016, tuy vuột mất áo vàng nhưng Tâm vẫn giữ được áo xanh và chức vô địch đồng đội. Năm 2018, bộ sưu tập của Nguyễn Thành Tâm trở nên hoàn hảo hơn với chiếc áo vàng chung cuộc.
“Nếu được gọi là tay đua đa năng, tôi xin không nhận danh hiệu này bởi tôi chỉ là một tay đua chuyên trị nước rút đơn thuần. Áo vàng chung cuộc 2018, phần thưởng quá lớn này tôi xin dành tặng cho các đồng đội, ban huấn luyện, những người thân đã âm thầm cổ vũ tôi theo nghiệp xe đạp!” - Tâm khiêm tốn chia sẻ và gửi lời biết ơn đến ban huấn luyện, đồng đội và người thân.
Tính đến chặng áp cuối (Kiên Giang-Vĩnh Long ngày 29-4), thứ hạng tổng sắp với chiếc áo vàng đang thuộc về Nguyễn Thành Tâm; giải đồng đội êkíp, Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM đang dẫn đầu và dự báo chặng cuối Vĩnh Long-TP.HCM cũng khó có thay đổi dù êkíp này bị thua thiệt về người rất sớm khi hai trụ cột Lê Văn Duẩn, Nguyễn Minh Luận chấn thương rời đường đua. Còn bốn tay đua còn lại là Mai Nguyễn Hưng, Nguyễn Trường Tài, Trần Thanh Điền và Nguyễn Minh Việt nhưng êkíp trên đã hoàn thành trọng trách trước sự công phá liên tục của các đối thủ suốt cả chục chặng qua. Tương tự, các danh hiệu áo xanh thuộc về Lê Nguyệt Minh (Minh Giang TP.HCM); áo chấm đỏ - Vua leo núi thuộc về Loic Desriac (Bikelife Đồng Nai); áo trắng - Tay đua trẻ xuất sắc nhất thuộc về Ngô Văn Phương (Bảo vệ thực vật An Giang). |