ASEAN cần tháo gỡ nút thắt nào về Myanmar?

Dự kiến hôm nay (24-4) các lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp bàn cách dàn xếp khủng hoảng Myanmar. Cuộc họp khả năng sẽ diễn ra phức tạp với sự tham gia của Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, còn “chính phủ đối lập” cũng đề nghị được gửi đại diện tham gia.

Các tay súng từ tổ chức vũ trang quân đội độc lập bang Kachin tuần tra
bên ngoài thị trấn Laiza thuộc bang này của Myanmar đầu tháng 4.
Ảnh: Sebastian Strangio/THE DIPLOMAT

Bạo lực, nội chiến

Tình hình khủng hoảng tại Myanmar sau chính biến ngày 1-2 vẫn đang diễn biến phức tạp, khi đến nay đã có gần 700 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em và gần 3.000 người bị bắt giữ. Bên cạnh bạo lực biểu tình, theo tạp chí The Diplomat, Myanmar còn đang đứng trước nguy cơ lâm vào nội chiến nghiêm trọng.

Ngày 16-4, thành phần đối lập với chính quyền quân sự Myanmar thông báo thành lập Chính phủ Thống nhất quốc gia gồm các thành viên Quốc hội bị bãi miễn sau cuộc chính biến ngày 1-2, các lãnh đạo các nhóm biểu tình và các cộng đồng thiểu số. Mục tiêu của Chính phủ Thống nhất quốc gia là nhằm chấm dứt chế độ quân sự và khôi phục dân chủ.

Kế hoạch thành lập Chính phủ Thống nhất quốc gia và hiến pháp tạm thời đã được Ủy ban đại diện Quốc hội Myanmar (CRPH - một tổ chức đối lập gồm các nhà lập pháp thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi bị bãi miễn sau cuộc chính biến) thông báo từ cuối tháng 3. Thời điểm này CRPH cũng tuyên bố vô hiệu hóa hiến pháp năm 2008 do chính quân đội soạn thảo.

Diễn biến này báo hiệu khả năng hình thành “một chính phủ song song” đối lập với chính quyền quân sự Myanmar, thu hút sự ủng hộ từ các nhóm vũ trang thiểu số tại nước này. Nguy cơ nổ ra nội chiến không nhỏ khi CRPH và Phong trào Bất tuân dân sự đang nỗ lực gây quỹ và thành lập một quân đội liên bang nhằm đối phó chính quyền quân sự.

Theo đài CNN, có nhiều dấu hiệu cho thấy những mâu thuẫn ở quốc gia này sắp chạm bước ngoặt lớn, khi lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục tỏ ra không nương tay đối với người biểu tình, còn các nhóm vũ trang khả năng sẽ tham gia vào cuộc xung đột. 

Nếu căng thẳng tại Myanmar leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện, khu vực Đông Nam Á có thể phải đối mặt cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng, từ làn sóng người tị nạn, nạn buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia đến tình hình đại dịch phức tạp và một quá trình phục hồi kinh tế trì trệ.

 

Liệu nỗ lực trên bàn ngoại giao của các quốc gia bên ngoài khu vực có thể chấm dứt tình trạng bạo lực, khủng hoảng tại Myanmar hay không, trong khi chính các biện pháp trừng phạt và cấm vận của các nước này vẫn chưa mang lại sự biến chuyển nào?

Báo JAKARTA POST

“Nút thắt” ASEAN cần tháo gỡ

Các nguy cơ bất ổn trên có thể thấy cần phải có sự can thiệp giúp dàn xếp khủng hoảng Myanmar càng sớm càng tốt. Với ASEAN, vốn hoạt động dựa trên nguyên tắc không can thiệp và đồng thuận, để làm được điều này cần phải tháo gỡ được một “nút thắt” quan trọng. Việc để có tất cả 10 quốc gia thành viên đạt được sự đồng thuận về một cách tiếp cận trong vấn đề Myanmar sẽ là một thách thức lớn.

Theo tờ Jakarta Post, hội nghị sắp tới sẽ là phép thử đối với “tư cách pháp lý” của ASEAN. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Brunei - quốc gia với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2021 - có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự mà tất cả quốc gia thành viên chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng Myanmar hay không, thay vì các chương trình xây dựng cộng đồng khác.

Nếu vấn đề Myanmar chỉ là một nội dung mang tính “hình thức” trong hội nghị sắp tới, đó sẽ là một thất bại ngay từ đầu. Ít nhất hội nghị thượng đỉnh này cần đưa ra một khuôn khổ trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực tại Myanmar. Nếu hội nghị còn có thể thống nhất về các giải pháp lâu dài liên quan tiến trình hòa bình và chuyển đổi dân chủ tại nước này thì càng tốt.

Theo Jakarta Post, một ý tưởng cần được xem xét chính là việc đưa ra các biện pháp dứt khoát, kết hợp với việc thúc đẩy các cơ chế đối thoại lâu dài giữa các bên xung đột tại Myanmar. Trong mọi trường hợp, ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong suốt quá trình này, như đã từng thực hiện trước đó khi thành lập Nhóm đặc trách cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cơn bão Nargis (AHTF) tại Myanmar hồi năm 2008. Nếu không, ASEAN khó có thể thúc đẩy tiến trình tại Myanmar một cách thiết thực ngoài những lời kêu gọi và tuyên bố.

Đối với Myanmar, hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể là cơ hội tốt nhất trong việc giải quyết khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao mà không phải chịu các tác động về mặt chính trị. Chẳng hạn, nếu các bên mâu thuẫn tại Myanmar không thể hoàn toàn tin tưởng vào Trung Quốc hoặc Mỹ, việc ngồi vào bàn đàm phán do ASEAN thúc đẩy có thể sẽ mang lại kết quả tích cực.

Cuối cùng, đối với Indonesia, hội nghị thượng đỉnh sẽ là một bài kiểm tra về khả năng lãnh đạo và độ tin cậy của nước này, đặc biệt khi chính Tổng thống Joko Widodo đã công khai đưa ra lời kêu gọi. Jakarta cần làm rõ rằng tuy có thể vấp phải nhiều khó khăn, song hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ không chấp nhận một kết quả cuối cùng với “mẫu số chung đồng thuận thấp nhất” như thường lệ.•

 

Nỗ lực của quốc tế đến nay vẫn bế tắc

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đầu tháng 4, bà Christine Schraner Burgener, đặc phái viên LHQ về Myanmar, cho biết: “Tôi kêu gọi hội đồng xem xét tất cả công cụ hiện hữu để đưa ra hành động tập thể về Myanmar. Chúng ta sẵn sàng đối thoại với chính quyền quân sự. Tuy nhiên, nếu chúng ta đợi đến khi họ sẵn sàng đối thoại thì tình hình sẽ tồi tệ hơn”.

Theo Jakarta Post, có một số ý kiến kêu gọi LHQ hành động dựa trên nguyên tắc trách nhiệm bảo vệ (R2P). Tuy nhiên, các biện pháp theo R2P không liên quan việc can thiệp về mặt quân sự, như cấm vận, trừng phạt hoặc đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế, khó có thể sẽ lay chuyển được tình hình tại Myanmar.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ có thể sẽ vấp phải quyền phủ quyết từ Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia có lợi ích tại Myanmar, như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Singapore và Mỹ khó có thể sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau do sự khác biệt về lợi ích chiến lược của mỗi bên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm