Giữa trưa oi nồng, căn nhà cấp bốn của cô Trần Thị Hằng (68 tuổi) nằm gần cuối con hẻm ngoằn ngoèo (176/29 tổ 40, khu phố 4A, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) vẫn rộn ràng tiếng í ới gọi bà con trong khu phố đến xác nhận thông tin cá nhân, mức thu nhập để vay vốn làm ăn.
Có làm công nhân mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn
“Với công nhân lao động nhập cư, cô Hằng là cánh cửa để các gia đình gửi gắm viết đơn xin đăng ký tạm trú dài hạn, tìm kiếm việc làm, tìm chỗ cho con cái học hành” - chị Võ Thị Phượng, công tác tại Hội Phụ nữ phường, cho biết.
Rà soát danh sách chị em vay vốn, chị cho biết định kỳ hằng tháng chị em làm công tác tín dụng TP, quận, phường về khu phố thẩm định danh sách bà con có nhu cầu vay vốn để làm ăn.
Là người mai mối lâu nay với cô Hằng qua các dự án nghiên cứu đời sống của công nhân lao động nhập cư trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, nhận xét: Những việc cô làm xuất phát từ tấm lòng, sự nhiệt tình và trách nhiệm cộng đồng. Cô đã kết nối các nguồn lực xã hội ở địa phương hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho lao động di cư ổn định đời sống, yên tâm bám trụ làm việc lâu dài.
Khi tôi hỏi cơ duyên gì khiến cô nhiệt tâm với người công nhân lao động như vậy, bằng chất giọng đặc sệt xứ Nghệ, cô bảo bản thân cũng là lao động di cư. Mấy mươi năm trước làm giáo viên, chồng qua đời trong cơn đột quỵ, cuộc sống thêm phần túng thiếu. Cô gác lại nghề giáo, bỏ lại con thơ nhờ bà con chăm bẵm, khăn gói Nam tiến bươn chải đủ nghề mưu sinh. “Lúc đầu thì làm thuê làm mướn, rồi đi giúp việc cho các gia đình. Dần dần có chốn nương thân tui mới đưa con cái vào học hành. Lúc mới vào TP không giấy tờ đầy đủ cũng trần ai lắm, may có người tốt giúp đỡ nên con cái có chốn học hành nên người. Từ đấy tui nghĩ nhiều đến cảnh ngộ của những em công nhân từ quê lên chật vật như buổi đầu mình từng gặp phải” - cô thổ lộ.
Cô Hằng rà soát danh sách các hộ vay vốn làm ăn tại khu phố. Ảnh: P.ĐIỀN
Cực nhưng công nhân vui là được
Cô cùng lúc kiêm nhiều vai, nào tổ trưởng tổ dân phố, phó ban điều hành khu phố, chi hội trưởng phụ nữ khu phố, phó ban chủ nhiệm câu lạc bộ giúp tìm kiếm việc làm thuộc hội phụ nữ phường. “Nhờ gánh nhiều vai như vậy nên tui đã gầy dựng được nhiều mối quan hệ với những người hảo tâm để khi cậy họ hỗ trợ vật chất, tinh thần họ đều sẵn lòng. Công việc tuy cực nhưng nếu mình nhiệt tâm một chút công nhân sẽ phấn chấn, chịu khó làm ăn, khu phố yên bình, ít đi tệ nạn” - cô Hằng chia sẻ.
Chị Minh Châu, con gái lớn của cô phụ trách công tác đoàn ở phường Bình Thuận, tiết lộ từ lúc mẹ tham gia công việc “vác tù và” đến nay đã giúp hàng chục hộ gia đình lao động nghèo nhập cư có sổ tạm trú dài hạn, giúp 20 trẻ theo cha mẹ chuyển trường từ quê lên vào học cấp I trên địa bàn. Chưa hết, cô còn đứng ra giúp hơn 20 lao động nhập cư mua thẻ BHYT tự nguyện theo diện cá nhân. “Nhiều hộ gia đình từ quê lên không biết chữ, có người biết chữ nhưng viết không nổi một lá đơn xin cho con đi học hoặc xin vay vốn… Cứ thế giúp một người rồi người này truyền người kia tìm đến nhờ mẹ viết đơn cho họ” - chị Châu nói.
Thú vị hơn, năm 2015 vừa qua, cô Hằng đã cùng ban chủ nhiệm câu lạc bộ liên hệ các hộ gia đình có nhu cầu giới thiệu việc làm cho hơn 40 chị em giúp việc nhà ở khu dân cư Phú Mỹ Hưng hoặc làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận. Cô bộc bạch: “Mình giới thiệu việc làm cho người trước, cứ thế khi những nơi họ làm việc có nhu cầu họ sẽ giới thiệu thêm việc làm khác cho người sau”.
Tổ dân phố 40, khu phố 4A được đánh giá là địa bàn có nhiều cái nhất của phường, gồm nhiều người nhập cư nhất, nhiều nhà trọ nhất và nhiều hộ nghèo nhất. Chủ trương giảm nghèo trên địa bàn phường đặt ra rất cam go vì cả tổ có tới 63 hộ thuộc diện nghèo. Thế nhưng bằng sự nhiệt huyết, cô Hằng cùng các cán bộ khu phố đã giảm được số hộ nghèo. Phường Bình Thuận vinh dự là một trong những phường đầu tiên của TP không còn hộ nghèo. Bà PHẠM THỊ BÍCH, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Sự nhiệt tình và quan tâm đối với người lao động nhập cư của cô Hằng đến nay vẫn nguyên vẹn. Ngoài ra, cô còn là tấm gương vượt khó vươn lên khó ai bì kịp, từ chỗ làm thuê làm mướn nay cô đã mua được nhà, con cái trưởng thành. Một người dân trong tổ dân phố 40, khu phố 4A |