Thủ tướng Anh Theresa May ngày 8-6 phản đối mạnh đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái kết nạp Nga vào G7, cho rằng Nga vẫn tiếp tục “các hành động ác ý” sau vụ sáp nhập Crimea.
Nga bị ngưng tư cách thành viên G7 năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine và ủng hộ phe đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.
“Tôi luôn nói chúng ta nên gắn kết với Nga, nhưng ý của tôi là gắn kết trong sự thận trọng. Chúng ta phải nhớ tại sao G8 lại trở thành G7. Là vì Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimea. Chúng ta đã chứng kiến nhiều hành động ác ý từ Nga, dĩ nhiên cả việc xảy ra trên đường phố Salisbury ở Anh” - bà May nói, ý muốn nói đến vụ cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh đầu tháng 3 mà bà cáo buộc Nga là thủ phạm.
“Vì thế, trước khi có bất kỳ cuộc đối thoại nào về vấn đề này, chúng ta cần Nga thay đổi cách tiếp cận của mình” - theo bà May.
Thủ tướng Anh Theresa May(giữa) trong cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị G7 ở TP La Malbaie, Quebec (Canada) ngày 8-6. Ảnh: REUTERS
Phần mình, trong cuộc họp báo ngày 8-6, Cao ủy Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker đưa rõ ràng quan điểm của EU: “Nga vi phạm luật pháp quốc tế với việc sáp nhập Crimea cũng như những gì Nga đã làm ở Đông Ukraine”.
Hai giờ trước đó, ông Trump đưa ra ý kiến Nga nên được tái gia nhập tổ chức các quốc gia công nghiệp hàng đầu G7.
“Tại sao hội nghị chúng ta lại không có Nga? Nga nên có mặt tại hội nghị, nên là một phần của hội nghị. Họ nên để Nga quay lại vì chúng ta nên có Nga ở bàn thương lượng” - ông Trump nêu ý kiến với báo chí khi ông rời Nhà Trắng sang Canada.
Dù bị bà May và ông Juncker phản đối nhưng ít nhất ý kiến của ông Trump cũng được Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ủng hộ.
“Tôi đồng ý với Tổng thống Trump. Nga nên được tái kết nạp để đưa G7 thành G8. Điều này có lợi cho tất cả mọi người” - ông Conte viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G7 ở TP La Malbaie, Quebec (Canada) ngày 8-6. Ảnh: REUTERS
Không chỉ phản đối ông Trump về Nga, bà May còn rất bất mãn các quyết định thương mại gần đây của ông Trump. Trong chuyến bay từ Anh sang Canada, bà May nói với báo chí rằng các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump tiêu cực với kinh tế thế giới.
“Tôi đã nói rõ ràng quan điểm của tôi về chuyện thuế nhập khẩu đánh lên nhôm, thép mà Tổng thống Trump vừa thông báo, tôi cũng đã báo trực tiếp với ông ấy. Cuộc nói chuyện gần nhất của tôi với ông ấy là vào ngày 4-6. Chúng tôi phản đối điều này, chúng tôi nghĩ điều đó là phi lý” - bà May nói.
“Rõ ràng Liên minh châu Âu sẽ phản ứng. Chúng tôi muốn chắc rằng, và chúng tôi sẽ làm việc với các nước EU khác để chắc chắn phản ứng này là thích hợp, tuân thủ đúng các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới” - theo bà May.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) phản đối mạnh ý kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái kết nạp Nga vào G7. Chưa rõ bất đồng hai bên sẽ ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch thăm Anh vào tháng 7 tới của ông Trump. Ảnh: NYP
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Channel 4 của Anh trước đó, bà May đã không nói ông Trump là “bạn tốt” của Anh, thay vào đó là cách nói khách sáo: “Mỹ và Anh là bạn tốt. Tổng thống Trump và tôi hợp tác cùng nhau”.
Trong khi đó, Independent đưa tin ông Trump nói với các đồng minh rằng ông không thoải mái với giọng điệu “bà giáo” của bà May, không hứng thú với chuyện gặp song phương bà May tại Hội nghị G7.
Quan hệ khúc khuỷu giữa bà May và ông Trump không biết sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuyến thăm Anh dự kiến của ông Trump vào tháng 7 tới.