Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16-2 tại Trung tâm Sunnylands ở bang California (Mỹ). Đây là nơi ông Obama đã từng hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông Tập đến thăm Mỹ năm 2013.
Trên tạp chí The Diplomat(Nhật), chuyên gia Prashanth Parameswaran phân tích qua hội nghị lần này, Washington nhắm đến ba mục tiêu:
Thứ nhất, hội nghị là dấu chỉ mạnh mẽ cho chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Obama. Đây cũng là minh chứng cho sự cam kết vững chắc của ông Obama đối với các chính sách dành cho khu vực.
Thứ hai, hội nghị là cơ hội để Mỹ và ASEAN thắt chặt hơn nữa quan hệ, đồng thời vạch ra chương trình hợp tác hành động đến năm 2020.
Cuối cùng,cần chú ý thời điểm hội nghị rất gần với thời gian kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đến hồi quyết liệt thì sự kiện tổ chức hội nghị như thế tại Mỹ có thể ngầm gửi thông điệp về tầm quan trọng của tổ chức ASEAN đến chính quyền nhiệm kỳ tới.
Hội nghị có ba phiên gồm hai phiên làm việc chính thức về các vấn đề kinh tế và chính trị-an ninh cùng bữa ăn tối thân mật kết hợp trao đổi quan điểm.
Báo The Economist (Anh) ghi nhận Washington quan tâm nhiều đến ASEAN bởi ASEAN là động lực phát triển kinh tế. Đầu tư của Mỹ vào ASEAN năm 2014 đạt 226 tỉ USD, cao hơn vốn đầu tư vào Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật gộp lại.
Trong phiên làm việc về kinh tế, chủ đề lớn nhất sẽ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ sẽ trao đổi với bốn nước thành viên TPP đồng thời là thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Có thể có Indonesia, Philippines và Thái Lan tham dự.
Đặc biệt biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận trong nỗ lực tìm kiếm các nguyên tắc chung để quản lý tình hình, tránh leo thang tranh chấp và hạn chế các sự kiện như chuyện Trung Quốc thử nghiệm đường băng trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở biển Đông.
Báo The Economist nhận định các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đến California lần này bởi thái độ cứng rắn gần đây của Trung Quốc hơn vì sự có mặt của ông chủ Nhà Trắng. Những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến tình hình khu vực luôn diễn biến căng thẳng kéo theo quan ngại của nhiều nước khác.
Ngoài kinh tế và tranh chấp hàng hải, Mỹ và ASEAN cũng sẽ tiếp tục thảo luận về cách thức giải quyết các thách thức chiến lược và xuyên khu vực, bao gồm chủ nghĩa khủng bố (chủ đề mới nổi lên trong khu vực), buôn người, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.