Ba ngành xuất khẩu tỉ USD của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi quy định mới này

(PLO)- Thị trường truyền thống nhập hàng tỷ USD cà phê, gỗ, cao su Việt Nam có thể bị thu hẹp bởi Quy định chống phá rừng của EU.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ tới tình hình xuất khẩu của gỗ, cao su, cà phê - 3 ngành hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Giải thích rõ vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản thuộc Forest Trends, Hoa Kỳ, đã có trao đổi với báo chí.

Cà phê, cao su, gỗ sản xuất trên đất rừng sẽ không xuất được sang EU

. Vì sao Liên minh châu Âu ban hành EUDR, thưa ông?

+ Ông Tô Xuân Phúc: Theo thống kê của EU, thế giới đã mất 420 triệu ha rừng trong giai đoạn 1990-2020, tức mất 10 triệu ha/năm. Trong đó, EU nhập khẩu khoảng 1/3 sản phẩm từ ngành trồng trọt, chăn nuôi... liên quan trực tiếp tới quá trình tiêu cực này.

Do vậy EU ban hành quy định chống phá rừng theo cách kiểm soát để các sản phẩm đưa vào thị trường của họ không góp phần làm mất và suy thoái rừng toàn cầu. Đây cũng là một cách tiếp cận để góp phần cắt giảm phát thải các-bon.

z4841610967013_3cf54bd5971a5a49b2c992cf031ba135.jpg
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản, thuộc Forest Trends. Ảnh: AH

. Nội dung cơ bản quy định chống phá rừng của EU là gì, thưa ông?

+ Các sản phẩm xuất khẩu sang EU không được liên quan tới sự việc mất rừng hoặc suy thoái rừng xảy ra từ 31-12-2020. Trong đó “mất rừng” được hiểu là hoạt động chuyển đổi từ đất rừng sang đất nông nghiệp; còn “suy thoái rừng” là sự chuyển đổi mang tính chất hệ thống từ rừng tự nhiên hoặc rừng tái sinh tự nhiên sang các diện tích rừng trồng.

Như thế nông sản, sản phẩm có nguồn gốc từ đất rừng và thậm chí đất nông nghiệp nhưng được chuyển đổi hợp pháp từ đất rừng theo pháp luật nơi sản xuất kể từ 31-12-2020 thì cũng nguy cơ cao không được EU nhập khẩu...

Không còn nhiều thời gian chuẩn bị

. Quy định này được áp dụng từ 29-6 vừa qua, nhưng như ông giải thích thì còn hồi tố với nguồn gốc đất 31-12-2020, vậy sẽ tác động như thế nào tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam?

+ EUDR có đưa ra thời gian chuẩn bị, mà với doanh nghiệp nhập khẩu lớn là 18 tháng, kể từ ngày 29-6-2023, và 24 tháng với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với Việt Nam, qua phân tích của chúng tôi, 3 mặt hàng cà phê, gỗ, cao su sẽ chịu ảnh hưởng mạnh bởi quy định mới này.

Đây là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất lớn sang EU. Năm 2022, EU tiêu thụ 1,5 tỷ USD trong tổng số 4 tỉ USD giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Đây cũng là một thị trường chính của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, với giá trị 672 triệu USD; và cao su là 582 triệu USD.

anhche-bien-go-xuat-khau-kh-v-giay_QTVF_thumb.jpg
Chỉ một thời gian ngắn nữa, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang EU sẽ phải đáp ứng Quy định về chống phá rừng EUDR. Ảnh: AH

. Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng của chuỗi cung 3 ngành hàng này với EUDR?

+ Có điểm thuận lợi là rủi ro phá rừng và sản xuất gỗ rừng trồng, cà phê, cao su ở Việt Nam thấp. Thời gian gần đây chúng ta hầu như không còn cho phép chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất.

Ngoài ra, Chính phủ vừa qua đã chủ động ưu tiên quản lý đất sản xuất bằng công cụ chứng chỉ bền vững và diện tích này đang tăng nhanh. Liên kết công ty - nông hộ cũng ngày càng phát triển, thúc đẩy chuỗi cung theo hướng có thể truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, đặc điểm nền sản xuất của Việt Nam là số hộ tham gia ở khâu sản xuất vẫn rất lớn, đất sản xuất manh mún. Một số diện tích đất chưa rõ ràng pháp lý về pháp lý, như thiếu sổ, có phần đất bị chồng lấn.

Một điểm bất lợi nữa là chuỗi cung dài, với nhiều thương nhân trung gian, một số giao dịch không tuân thủ theo quy định hiện hành nên việc truy xuất nguồn gốc sẽ khó khăn.

Tự đánh giá lại chuỗi cung để khắc phục

. Tổng quát thì vậy, nhưng tới các doanh nghiệp cụ thể thì qua theo dõi, ông thấy thế nào?

+ Với các doanh nghiệp lớn đang là đối tác cung cấp hàng cho thị trường châu Âu thì họ bắt nhịp và đang thực hiện tương đối tốt. Việc quản lý chuỗi cung ứng của họ tương đối ổn.

Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì quy định về chống phá rừng của EU là rất mới, họ chưa tiếp cận, chưa hiểu ngay được. Số này mà lại nằm trong chuỗi cung ứng của ngành hàng xuất sang EU thì sẽ xuất hiện rủi ro.

. 18 hay 24 tháng không phải là dài. Theo ông, chúng ta phải làm gì?

+ Có rất nhiều việc cần phải làm.

Trước hết Chính phủ cần xây dựng bản đồ hiện trạng đất rừng, đất sản xuất với các chỉ số về rủi ro, an toàn. Cần rà soát hệ thống thông tin dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp, kết quả giao đất, giao rừng, các diện tích chồng lấn, hồ sơ pháp lý tới từng thửa đất...

Chính phủ cần phối hợp với các ngành hàng, đánh giá hiện trạng chuỗi cung. Ưu tiên cao nhất là các nhóm sản phẩm xuất khẩu. Dựa trên quy định EUDR mà xác định các tồn tại, bất cập để có giải pháp tháo gỡ.

Đối với các doanh nghiệp liên quan tới 3 ngành hàng cà phê, gỗ, cao su thì cần tự đánh giá thực trạng chuỗi cung mà mình tham gia, tập trung vào mặt hàng chính, sau đó mở rộng ra các mặt hàng khác. Mỗi doanh nghiệp cần xác định các tồn tại trong từng khâu và tự đưa ra giải pháp khắc phục…

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm