Bà nội trợ phải được quyền chọn lựa

Xin nói rõ từ đầu là không phải quyền gì to tát lắm đâu, chỉ là quyền chọn lựa thực phẩm để có bữa ăn an toàn, ngon miệng cho mỗi gia đình. Một bữa cơm nhà giữa thời buổi bận rộn này là hiếm lắm nên bữa cơm ấy cần được gìn giữ, những người phụ nữ cần được động viên, chia sẻ để lo chu toàn bữa cơm ấy. Thế mà động vào đâu cũng thấy chuyện khó, từ chùm củ hành tím sao có thứ “bột lạ” gì trắng trắng, đến miếng giò sống trông mượt mà tươi ngon vậy mà mang về nấu lên sần sật vị hàn the… và bây giờ là chai nước mắm.

Thức nào tự nhiên, đồ nào nhân tạo?

Nước mắm là món gia vị không gia đình Việt nào không động đến trong bữa cơm, từ ướp thực phẩm đến nêm nếm kho xào, rót ra dầm trái ớt để thành chén nước chấm… Nghe báo chí gọi tên, mới biết có loại nước mắm công nghiệp. Tiếng “công nghiệp” nghe sang trọng vậy thôi, chứ thiệt ra thành phần là nước, muối, hương liệu và (nghe đâu) có vài phần trăm tinh chất cá…

Thử theo các bà nội trợ ra chợ hoặc vào siêu thị thì biết thực chất chẳng có mấy chọn lựa. Trên các quầy kệ, tất cả nhãn hàng đều là nước mắm như nhau, làm sao biết cái nào là nước mắm ủ chượp truyền thống và cái nào là nước mắm công nghiệp để được tự mình cân nhắc, chọn mua. Nước mắm công nghiệp có lợi thế rẻ, hợp túi tiền, trong veo hấp dẫn và có vị vừa miệng dễ ăn. Vậy nên nhiều khi cũng đành cầm lên cái chai ấy, nghĩ rằng nêm nếm một chút thôi, mỗi người ăn một chút thôi, chắc không sao đâu…

Người nội trợ phải được cung cấp thông tin đầy đủ trên sản phẩm để quyết định lựa chọn trong bữa cơm gia đình. Ảnh: HTD

Nhìn rộng ra, cái “không sao” của một ngày một bữa trong lựa chọn thực phẩm, đem cộng dồn lại, sẽ thành những câu hỏi “vì sao”: Vì sao bệnh tật nhiều đến vậy, mà toàn những bệnh nan y? Vì sao đã ăn uống kiêng cữ rồi vẫn không thoát? Vì sao con cái chúng ta đang ngày một dậy thì sớm hơn… Nguy cơ không hẳn đến từ chai nước mắm công nghiệp mang nhãn hiệu A hay X nào đó - đừng đổ lỗi cho nó như thế, mà đến từ sự mù mờ thông tin sản phẩm đối với người tiêu dùng. Một khi sự mù mờ này mang lại lợi nhuận, mang lại doanh thu bán hàng khủng, có khi người ta sẽ cố gắng lách qua lách lại giữa những quy định, văn bản, tên gọi, tránh né những con số tường minh về hàm lượng, về quy trình sản xuất, về chất lượng thực của sản phẩm, để duy trì hoặc đẩy sự mù mờ ấy về phía người dùng. Nói cách khác, những thông tin về thực phẩm hiện đang đứng về phía có lợi cho việc bán sản phẩm. Chúng ta đã có quy định về dán nhãn thực phẩm biến đổi gen từ đầu năm 2016 nhưng chỉ áp dụng đối với các loại thực phẩm đóng gói. Vậy những loại bắp, đậu nành biến đổi gene mà ta đã nhập về gần chục năm nay, được bán tràn lan không đóng gói thì sao? Phải chăng nhập về thì có lợi nhuận nhưng quản thì khó nên buông lỏng, trong khi người dùng không phân biệt được.

Đừng đẩy trách nhiệm cho xã hội

Hãy nhớ những vụ kiện thuốc lá lừng danh trong lịch sử, nhân loại đã phải trải qua một thời gian rất dài, phải trả giá cực đắt cho những điếu thuốc lá và vòng khói thuốc tròn sành điệu phà vô tư giữa chốn đông người, để có được kết quả như hiện nay: In lên bao thuốc dòng thông tin “Thuốc lá gây ung thư…” cùng những hình ảnh thật của cái chết vì thuốc lá. Chọn hút thuốc hay không là quyền của mỗi người, họ tự quyết mà tự chịu trách nhiệm; nhưng người dùng phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, đó phải là luật, đó phải là quyền.

Đẩy trách nhiệm về phía các bà nội trợ tức là đẩy trách nhiệm về phía cộng đồng xã hội, vì bữa cơm trong mỗi gia đình cung cấp năng lượng sống cho cộng đồng xã hội ấy. Các bà nội trợ không chỉ là khách hàng, họ cơ bản là những đầu bếp thân thương và đáng tin cậy trong mỗi gia đình Việt. Từ những bữa cơm gia đình ấy, chồng con họ sẽ lao vào công việc, học hành. Xin đừng đánh lừa họ bằng những thông điệp quảng cáo quanh co tạo ảo tưởng, những dòng chữ ghi hàm lượng, thành phần li ti bên cạnh hình ảnh quảng cáo ấn tượng đến nỗi không dễ nhận biết đâu là mặt hàng truyền thống, mặt hàng có sử dụng hương liệu và các chất phụ gia công nghiệp hay sử dụng các công nghệ đang gây tranh cãi… Riêng với nước mắm, cách hành xử ấy là thiếu tử tế với một sản phẩm mang tính quốc hồn, quốc túy của dân mình.

Có gì khó mà nhập nhằng vậy?

“Tại sao không phân loại nhãn mác: nước mắm tự nhiên - nước mắm pha chế - nước chấm”. Đó là mong muốn chung của bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCMkhi bình luận các bài viết liên quan nước mắm và tình trạng thông tin thực phẩm hiện nay:

Ghi chữ to nhất cùng hàm lượng đạm dễ nhìn thấy trên nhãn hiệu, để ai cũng hiểu. Cơ quan quản lý cứ loay hoay vì lẽ gì? Người tiêu dùng cần biết nguồn gốc, còn chất lượng thì quá trình sử dụng họ sẽ tự kiểm định, nhà sản xuất và cả nhà quản lý đừng dùng chữ nghĩa “lòe”.

Bạn đọc TUẤN TÚ

Đề nghị các sản phẩm nước mắm không sản xuất theo lối truyền thống phải dán nhãn “Nước mắm công nghiệp” để bảo vệ quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Bạn đọc HOÀNG ĐÔNG NAM

Nhà nước cần quy định phải dùng cỡ chữ lớn để ghi các chỉ tiêu chính trên nhãn hiệu như: nước sản xuất, thành phần chính, hàm lượng... Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng nhập nhèm thì làm sao ưu tiên đây?

Bạn đọc MINH

• Thương hiệu nào là nước mắm truyền thống? Tôi muốn mua nước mắm truyền thống dù đắt tiền hơn cũng được nhưng chẳng biết loại nào là nước mắm truyền thống.

Bạn đọc LAN

Đâu chỉ riêng nước chấm thành nước mắm, còn nước ngọt, sữa, trà xanh... Ví dụ, sữa thì phải ghi rõ là “sữa tươi nguyên chất 100%”, “sữa tươi có pha chế” và “sữa hoàn nguyên”.

Bạn đọc TUYỀN ĐN TUẤN TÚ

Tại sao những việc rất gần với cuộc sống người dân như vậy mà các cơ quan chức năng không quản lý?

Bạn đọc HUỲNH THẾ TÂN

TS tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm