Ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines đã nhất trí phối hợp tuần tra trong các khu vực có nguy cơ hải tặc ở biển Đông, đồng thời sẽ thiết lập các trung tâm xử lý khủng hoảng nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh hàng hải.
Quyết định trên được đưa ra tại hội nghị ba bên hôm 5-5, gồm Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Jose Rene Almendras cùng các chỉ huy quân đội của ba nước ở Yogyakarta (Indonesia).
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các đại biểu dự hội nghị ở Yogyakarta thảo luận các biện pháp cần thực hiện khi xảy ra sự cố trên biển và quy trình phối hợp chung giữa quân đội ba nước.
Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Retno Marsudi nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiến hành chung vì lợi ích của chúng tôi… Công dân Indonesia, Malaysia và Philippines đều là nạn nhân. Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ công dân của chúng tôi và bảo đảm hoạt động của các công dân”.
Ngày 5-5, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi (giữa) thông báo Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ tuần tra chung. Ảnh: AP
Bà cho biết một đường dây nóng sẽ được thiết lập để ba nước trao đổi nhanh chóng thông tin xảy ra trên biển.
Ngoài ra, ba nước cũng dự kiến sẽ thiết lập một trung tâm phụ trách chia sẻ nhanh chóng thông tin tình báo, đồng thời thúc đẩy phối hợp trong tình huống khẩn cấp.
Bà Retno Marsudi giải thích các sáng kiến nêu trên được thực hiện từ kinh nghiệm tuần tra chung kiểm soát eo biển Malacca từ năm 2006 của hải quân các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết hội nghị trên được tổ chức theo sáng kiến của Indonesia trong bối cảnh xảy ra nhiều vấn đề an ninh hàng hải đáng báo động trong vùng biển ba nước.
Người phát ngôn nói: “Các thách thức bao gồm nạn cướp biển có vũ trang gia tăng, tội phạm xuyên biên giới và khủng bố trong khu vực… Các thách thức này là mối đe dọa cho an ninh của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và kinh tế”.
Sắp tới đại diện của ba nước sẽ tiếp tục gặp nhau để thảo luận quy trình thực hiện tuần tra chung.
Trước đó đã xảy ra một số vụ bắt cóc con tin trên vùng biển phía nam Philippines và phía bắc Borneo, khu vực Indonesia và Malaysia có biên giới chung.
Trong năm tuần qua, 14 thuyền viên Indonesia và bốn thuyền viên Malaysia đã bị bọn Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ở Philippines bắt cóc.
Ngày 3-5, nhóm Abu Sayyaf đã phát tán băng video ghi hình hăm dọa.
Trong băng, ba con tin Robert Hall người Canada, Kjartan Sekkingstad người Na Uy và chị Marites Flor người Philippines (bạn gái của ông Robert Hall) đã kêu gọi chính phủ Canada và Philippines đáp ứng yêu cầu của bọn bắt cóc, nếu không họ sẽ bị xử tử.
Các con tin cũng yêu cầu quân đội Philippines ngừng chiến dịch truy quét bọn Abu Sayyaf. Trong băng, chúng đã lớn tiếng hăm dọa sẽ xử tử hết con tin nếu không nhận được tiền chuộc.
Trước đó, bọn Abu Sayyaf đã chặt đầu con tin John Ridsdel, người Canada do không nhận được 300 triệu peso (6,3 triệu USD) tiền chuộc. Bốn con tin bị bắt cóc vào cuối tháng 9-2015 ở Philippines.
Hôm 3-5, Abu Sayyaf đã trả tự do cho một con tin người Trung Quốc. Có tin cho rằng gia đình con tin này đã trả tiền chuộc 300 triệu peso.
Báo chí ghi nhận quyết định tuần tra chung ở biển Đông của Indonesia, Malaysia và Philippines có thể sẽ bị Bắc Kinh phản ứng.
Báo Inquirer (Philippines) ngày 4-5 đưa tin tổ chức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro hoạt động ở miền Nam Philippines thông báo sẽ tìm giải pháp bảo đảm an toàn cho các con tin đang bị bọn Abu Sayyaf bắt giữ. Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro khẳng định sẽ tránh đối đầu vũ trang với Abu Sayyaf và chú trọng thương lượng hòa bình. Tổ chức này cho biết nhờ họ can thiệp nên bọn Abu Sayyaf đã trả tự do cho 10 thuyền viên Indonesia hôm 1-5. ____________________________________ 100.000 tàu lưu thông trong vùng biển ngoài quần đảo Sulu ở phía nam Philippines trong năm 2015, vận chuyển 55 triệu tấn dầu thô và hơn 18 triệu lượt hành khách. |