“Trong suốt quá trình mang thai và sinh đẻ, các cơ sở y tế đều có những theo dõi về sức khỏe của các con. Do đó, không thể có quá nhiều trường hợp cần phải can thiệp chuyên sâu như vậy mà phụ huynh lại không biết” - BS Dung cho hay.
Câu trả lời của BS Dung liên quan đến việc phụ huynh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được loại phiếu khám, trong đó có “Phiếu đăng ký sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho học sinh nam tại các trường tiểu học trên địa bàn Hoàn Kiếm” khiến phụ huynh hoang mang với số liệu ghi trong tờ phiếu.
BS Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà.
Theo BS Dung, tỉ lệ này là quá cao bởi biểu hiện thường gặp nhất ở các trẻ trai trong độ tuổi này là chiết hẹp bao quy đầu. Nhưng tỉ lệ các trẻ có biểu hiện này cũng không nhiều như vậy.
Còn BS Nguyễn Thế Lương, phụ trách Phòng khám ANDOS, cho biết khoảng tháng 2 vừa qua, phía Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm gặp và có thông tin với phía Phòng khám ANDOS về chương trình tầm soát sớm những bất thường ở bộ phận sinh dục ở các cháu trai.
Phiếu sàng lọc được phát đến các phụ huynh để thăm dò nhu cầu của phụ huynh.
“Tôi thấy chương trình hết sức có ý nghĩa, bởi từ trước đến nay mình để ý các cháu gái nhiều hơn. Nhưng thực tế tại phòng khám chúng tôi, nhiều cháu đến rất bẩn, việc vệ sinh thường ngày, định kỳ của phụ huynh dành cho các cháu có lẽ không đúng cách… Do vậy tôi nhận lời tham gia chương trình” - BS Lương nói.
Khi được hỏi rằng liệu con số 62,9% có tin tưởng được không? BS Lương cho rằng nếu khám sàng lọc sẽ khám rất nhanh, trong phiếu khám có từ “nghi ngờ”, có thể sẽ xuất hiện một tỉ lệ sai số nào đó. “Khi khám chuyên sâu sẽ có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị thì sẽ có con số chính xác hơn” - ông Lương nói.
Theo tìm hiểu, số liệu trên được Trung tâm DS-KHHGĐ lấy từ kết quả năm 2016, thông qua hai đợt thực hiện triển khai khám sàng lọc, khảo sát, lấy mẫu ở 2.675 trẻ trai 3-5 tuổi tại các trường mẫu giáo, mầm non tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, tỉ lệ trong hai đợt khám sàng lọc cần can thiệp là 1.189 trẻ (44,44%); cần can thiệp ngay như tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn, lỗ tiểu lệch, hai lỗ tiểu là 85 trẻ (3,17%); gia đình cần chăm sóc và vệ sinh nhiều cặn bẩn, bán dính… là 409 trẻ (15,29%).
Trước đó, bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm, cũng khẳng định đây là con số có thật thông qua việc tổ chức, triển khai, kiểm tra sàng lọc của từng trường, từng lớp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn trước con số trên.