Ông Châu hiện đang trợ cấp thường xuyên 10 kg gạo/tháng cho 14 hộ trên địa bàn xã Sông Nhạn. Ông còn lui tới thường xuyên những hộ này để hỏi thăm, động viên và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho họ. Việc làm tự nguyện đó khiến hết thảy mọi người đều quý mến ông.
Điểm tựa cho người bất hạnh
Theo chân ông Châu, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Trương Nuôi (ngụ ấp 2), là một trong những hộ nghèo đặc biệt của xã. Cụ Nuôi năm nay đã 80 tuổi và bị hư một mắt trong thời chiến. Khoảng hai năm nay, cụ mắc thêm bệnh đãng trí nên không còn biết gì. Còn cụ bà Lý Thị Cháu, 75 tuổi, đầu óc tỉnh táo nhưng lại bị liệt cả hai chân, phải ngồi một chỗ suốt 10 năm nay. Đáng thương hơn, hai ông bà chỉ có được mỗi người con trai Trương Dư, 43 tuổi thì lại bị mù bẩm sinh và bị liệt cả hai chân.
Ông Châu (giữa) đến thăm gia đình ông Trương Nuôi (ngụ ấp 2, xã Sông Nhạn).
Bà Cháu thở dài, nói: “Hoàn cảnh gia đình tôi vừa nghèo khổ vừa bệnh tật như vầy thì làm được gì, mọi thứ trông nhờ xã hội cưu mang. Thời gian qua, may nhờ có chú Châu tận tình lui tới giúp đỡ nhiều thứ… Mỗi tháng chú Châu hỗ trợ 10 kg gạo và khi thấy có hội từ thiện nào về phát quà, cho tiền thì chú Châu đều giới thiệu đến giúp gia đình tôi”.
Anh Dư mắt nhắm nghiền, khi nghe cuộc trò chuyện và biết ông Châu đến thăm, anh Dư liền cất tiếng hỏi ngay: “Chú! Hôm trước chú hứa sẽ mua cho cháu cái máy để cháu mở nghe chương trình mà sao chưa có?”. Ông Châu đáp: “Để hôm khác chú mua đem tới nhưng cháu biết mở không?”. Anh Dư cười hăng hắc, ra vẻ thích thú: “Biết”. Ông Châu quay sang nói với chúng tôi: “Hôm trước tôi có hứa sẽ mua tặng một radio… Đã ngoài 40 rồi mà tính tình y như trẻ thơ, trông thật tội”. Ông Châu chép miệng, chúng tôi nghe vậy không khỏi xúc động.
Chúng tôi tiếp tục đến nhà bà Nguyễn Thị Giàu, 75 tuổi, cũng ngụ ấp 2. Hoàn cảnh gia đình bà Giàu quá đỗi bất hạnh: Chồng mất từ lâu, một mình bà phải nuôi hai người con gái tâm thần là Phạm Thị Huyền (50 tuổi) và Phạm Thị Trang (40 tuổi). “Họa vô đơn chí”, cách đây khoảng năm năm, bà Giàu bị liệt hai chân nên không đi đứng được nữa. Gia đình có ba người thì cả ba đều trở thành người tàn phế thể xác hoặc tâm trí, mất khả năng lao động!
Cưu mang người bệnh động kinh
Ông Châu đang cưu mang một người bị bệnh động kinh suốt 27 năm qua. Năm 1985, trong chuyến đi Bình Thuận để khám bệnh cho người quen, ông Châu nhìn thấy một người đàn ông trần truồng đi lang thang ngoài đường. Ông Châu hỏi thăm thì được biết người đàn ông đó tên Phùng Sinh, bị bệnh động kinh nặng nhưng vì gia đình nghèo túng, đông con nên không thể đào đâu ra tiền chữa trị. Thấy tội, ông Châu mới xin nhận đưa về nhà nuôi và chữa trị.
Khi mới đưa ông Sinh về, người thân và hàng xóm lo lắng: “Đương không lại rước của nợ về nhà!”. Bởi ngày nào ông Sinh cũng lên cơn, mỗi lần như vậy ông cởi hết quần áo và đi lang thang mặc cho trời nắng hay mưa. Có vài lần ông Sinh còn cầm rựa rượt đuổi người dân nên ai cũng lo sợ. Ông Châu phải thuyết phục mọi người, đồng thời ráng tìm mọi cách chữa bệnh. Sau hơn 20 năm ròng rã chạy chữa, đến nay bệnh tình của ông Sinh đã giảm được 80%.
Ông Châu hỏi han sức khỏe bà Nguyễn Thị Giàu (75 tuổi, ngụ ấp 2, xã Sông Nhạn).
“Cũng may là mỗi lần anh Sinh lên cơn, ảnh chỉ sợ mỗi mình tôi. Tôi nói gì ảnh đều nghe theo. Nhờ vậy tôi mới có thể chữa trị được căn bệnh cho ảnh” - ông Châu chia sẻ - “Tôi thấy sức khỏe của anh Sinh ngày càng tốt nên có vài lần tôi trở ra Bình Thuận để nói các con của ảnh vào đón về. Nhưng họ e ngại đưa về ngoài đó không đủ điều kiện chăm sóc, rủi bệnh tái phát, bởi vậy họ gửi gắm tôi nuôi giùm, lâu lâu họ lại vào thăm. Con cháu của ảnh mỗi lần có đám giỗ hay cưới hỏi gì đó ở ngoài Bình Thuận, tôi đại diện đứng ra lo giúp”.
Từ tay trắng đi lên
Gia đình ông Châu quê ngoài Quảng Trị. Trước đây, khi đã có bằng trung cấp y, ông tiếp tục theo học Trường ĐH Y khoa Huế. Thế rồi, sau thời điểm 1975, ông đã phải nghỉ học nửa chừng và đi làm mướn. Nhiều năm liền ông làm lụng cực khổ nơi quê nhà nhưng cuộc sống vẫn không thoát cảnh thiếu trước hụt sau. Lúc bấy giờ, ông nghĩ đến chuyện đi lập nghiệp nơi vùng đất mới.
Nghĩ là làm. Năm 1979, ông Châu xoay sở vừa đủ số tiền để đưa vợ con đón xe vào Đồng Nai khai phá đất hoang và lập nghiệp. Ông làm đủ mọi nghề, từ làm công nhân trong Công ty Cao su Đồng Nai cho đến giáo viên dạy học để có thu nhập trang trải cuộc sống. Đồng lương ít ỏi chỉ có thể giúp gia đình ông cầm cự lây lất trong khoảng sáu năm. Đến năm 1985 ông buộc phải xin nghỉ việc, về nhà cùng với vợ con đầu tư canh tác ba mẫu rẫy để trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi heo, gà… Cuộc sống gia đình kể từ đó càng lúc càng “ăn nên làm ra”.
Khi cuộc sống đã ổn định, ông Châu giao công việc làm rẫy lại cho các con trực tiếp quản lý. Còn ông ở nhà mở phòng thuốc nhỏ để khám bệnh và mua bán thuốc Tây.
Giá trị của lòng nhân ái
“Thật ra, khi mới vào đây tôi đã mở tủ thuốc rồi, gọi là tủ thuốc gia đình. Tôi khám và chữa bệnh cho vợ con, thân thuộc, ngoài ra tôi còn khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Mãi tới gần đây, khi nhiều người có tiền bạc rủng rỉnh tìm đến tôi thì tôi mới khám bệnh thu tiền” - ông Châu nói.
Năm 2000 ông Châu được bà con tín nhiệm bầu lên làm trưởng ấp, từ năm 2007 đến tháng 7-2013, ông làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Sông Nhạn. Trong chừng ấy năm, hễ thấy gia đình nào trong xã nghèo khó, người già neo đơn, bệnh tật… mà chưa được hưởng trợ cấp theo quy định Nhà nước thì ông lên tiếng đề nghị các ban ngành xem xét giải quyết. Nhưng ông không ngồi im để trông đợi “ơn mưa móc” mà ông chủ động đi tìm một số nguồn tài trợ khác trong cộng đồng để xây nhiều căn nhà tình thương cho các hộ nghèo.
“Bản thân tôi từ nghèo khổ đi lên nên mỗi khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, tôi thương lắm. Tôi nhận làm công tác xã hội cũng là vì thế” - ông Đoàn Châu chia sẻ. Ông cho biết thêm: “Mỗi khi nghe giới thiệu ai đó lâm vào cảnh nghèo khó, tôi đến gặp trực tiếp để tìm hiểu cụ thể thế nào rồi mới giúp đỡ. Bởi có những người nghèo túng do không chịu làm việc, cứ suốt ngày say xỉn”.
Ông Châu nói mỗi khi giúp ai được điều gì và thấy họ vui thì ông cũng vui lây. Vợ và con cái hiểu được giá trị việc làm của ông nên cũng xăng xái ủng hộ.
Đã nhiều lần các con của ông Châu còn gửi tiền để ông có “quỹ” tiếp tục đi lo chuyện cho người dưng.
Giữa thời buổi mà sự phô trương vật chất và tôn sùng tiền bạc đang trở thành một “giá trị” để tranh nhau cao thấp trong xã hội, dễ được mấy ai nghĩ và làm như ông Châu? Ông chọn cho mình một giá trị khác để sống: Giá trị của lòng nhân ái, yêu thương đồng loại.
THÀNH AN