Cần đưa "lao động công ích" vào hình thức phạt bổ sung

Sung công quỹ phương tiện đua xe

Về vấn đề buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, theo tôi với tình hình kinh tế-xã hội khó khăn như hiện nay, rất nhiều người dân không có việc làm. Vì vậy buôn bán ở lòng lề đường là việc chẳng đặng đừng đối với họ. Vậy nên, trong biện pháp chế tài cũng nên thể hiện sự cảm thông. Chúng ta không thể so sánh với nước ngoài bởi tình hình kinh tế mỗi nước mỗi khác và họ đã ổn định. Theo tôi, mỗi phường cần có địa điểm trống quy hoạch để đưa người buôn bán hàng rong vào, khỏi gây cản trở giao thông. Đối với những người buôn bán nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta phải có biện pháp giúp đỡ để họ sống được…

Nhưng cần xử phạt thật nặng những trường hợp đã có mặt bằng mà vẫn hám lợi, lấn chiếm để kinh doanh thêm. Tình trạng này vẫn tồn tại kéo dài. Cho nên tôi tán thành kiến nghị của UBND TP.HCM: Nên có mức phạt theo từng loại đối tượng. Những trường hợp đã có mặt bằng mà vẫn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh thì phạt nặng theo Nghị định 34 của Chính phủ; phạt lần một, lần hai, đến lần ba vẫn tiếp tục tái phạm thì rút giấy phép kinh doanh. Có vậy mới đủ sức răn đe…

Còn việc các quái xế đi “bão đêm”, đua xe, lạng lách, đánh võng, nẹt pô… thì tôi rất tán thành việc cần phải trừng trị nghiêm khắc. Cách làm tích cực nhất, theo tôi là cần dứt khoát tịch thu phương tiện và sung công quỹ. Tôi cũng nhất trí việc ngoài xử phạt hành chính cũng cần bổ sung các biện pháp chế tài khác như phạt giam hành chính, kiểm điểm trước khu phố…

Cần đưa "lao động công ích" vào hình thức phạt bổ sung ảnh 1

Công an quận Bình Thạnh lập biên bản những đối tượng lạng lách gây rối rạng sáng 6-3. Ảnh: LƯU NGUYỄN

Một vấn đề nữa là tình trạng đi xe máy ở học sinh. Nếu TP.HCM làm quyết liệt vấn đề trên thì tình hình vi phạm sẽ được cải thiện đáng kể bởi đa số quái xế còn đang trong độ tuổi đến trường.

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG,Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Buộc lao động công ích

Ngoài cách xử phạt hành chính rồi đưa ra kiểm điểm tại địa phương, chúng ta cần nghiên cứu, đưa vào thực hiện thêm biện pháp bắt buộc phải lao động công ích đối với các đối tượng tham gia đua xe. Điều này theo tôi là cần thiết, có tính răn đe và hiệu quả giáo dục cao vì đối với các đối tượng trên, việc phạt tiền hay kiểm điểm nhiều khi không có tác dụng. Những người vi phạm đa số thuộc thành phần nhiều tiền lắm của, lười lao động, ít cảm thấy xấu hổ với vi phạm của mình. Bằng chứng là có nhiều đối tượng sau khi bị xử lý lại tiếp tục vi phạm.

Trong khi đó, ở các địa phương, phường, xã hiện nay còn nhiều việc công cộng cần được thực hiện thường xuyên như vớt rác trên kênh rạch, xóa quảng cáo bôi bẩn trên các cột điện, dọn dẹp vệ sinh khu phố… Tôi nghĩ nếu có thêm sức lao động của các thanh thiếu niên theo dạng bắt buộc thì sẽ góp phần hữu ích trong việc thực hiện công tác này. Nếu thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ lao động của các đối tượng trùng với đợt ra quân chung của các hội đoàn thì chúng ta sẽ để các đối tượng vi phạm vào cùng làm. Nếu không trùng thời điểm, chúng ta có thể giao cho cảnh sát khu vực tại địa điểm phải lao động công ích giám sát người vi phạm.

VÕ THỊ MINH PHƯỢNG, Chủ tịch UBND phường 15, quận 10

Xử phạt bằng tem phiếu?

Những người bán hàng rong thường là người nghèo từ các địa phương khác đến, hiếm khi mang theo giấy tờ tùy thân nên việc xác định tên tuổi, địa chỉ cư ngụ để tống đạt quyết định xử phạt và đảm bảo họ nộp phạt gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành một số điểm còn vướng mắc của Nghị định 34 và thông tư đó cần phải tháo gỡ những khó khăn gặp phải khi áp dụng quy định vào thực tế. Để xử lý hàng rong một cách hiệu quả, theo tôi cần thực hiện một số việc.

Đầu tiên, chính quyền địa phương phải có kế hoạch sắp xếp vị trí, thời điểm buôn bán theo các giờ cụ thể trong ngày. Nên mời những người buôn bán hàng rong đến tuyên truyền, vận động và làm cam kết không lấn chiếm lòng lề đường khi tham gia buôn bán. Cần xác lập mức độ vi phạm cụ thể để có cách xử lý hiệu quả. Có thể cân nhắc mức xử phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với những người buôn bán nhỏ lẻ, mới vi phạm lần đầu và đưa ra hình thức xử phạt đơn giản tức thời bằng tem phiếu chẳng hạn. Ngoài ra cũng cần có thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm.

Tiếp đến, nếu đối tượng bị xử phạt là người địa phương nhưng không có khả năng đóng phạt, chúng ta có thể yêu cầu họ phải tham gia lao động công ích, số giờ lao động tương ứng với số tiền bị xử phạt. Việc bắt buộc lao động cũng có thể áp dụng cho người vi phạm ở địa phương khác đến bằng cách thông báo đến chính quyền địa phương nơi họ cư ngụ, đề nghị áp dụng hình thức phạt lao động công ích.

Ông TRẦN HỮU TRÍ, Phó Chủ tịch UBND quận 6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm