Băn khoăn việc tăng giá dịch vụ kiểm định xe

(PLO)- Chuyên gia, người dân băn khoăn về thời điểm tăng giá dịch vụ kiểm định xe và lo lắng tình trạng tăng giá vẫn tái diễn tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã báo cáo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ kiểm định. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xem xét ban hành quy định mới về giá kiểm định.

Tăng giá dịch vụ mong giảm tiêu cực

Anh Nguyễn Văn Thịnh (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang sở hữu một ô tô cũ nên 12 tháng phải đi đăng kiểm một lần với mức phí 340.000 đồng. Trước thông tin sẽ tăng phí kiểm định, anh cho biết đồng ý với đề xuất tăng phí nhưng đi kèm với đó phải ngăn chặn được tình trạng “vòi tiền” người dân của đăng kiểm viên.

Hiện Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh tăng giá dịch vụ kiểm định và bổ sung giá kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu. Ảnh: VIẾT LONG

Hiện Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh tăng giá dịch vụ kiểm định và bổ sung giá kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu. Ảnh: VIẾT LONG

Tương tự, anh Trần Trung Kiên (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng việc tăng giá cần được xem xét ở nhiều khía cạnh nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Trước mắt, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) cần phải cải tiến, áp dụng công nghệ để giảm sức người và tăng nguồn thu.

Còn theo đại diện của một TTĐK ở Hà Nội, việc xảy ra tại các TTĐK vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khó khăn từ nguồn thu; mức lương của nhân viên không tương xứng với công việc đang đảm nhận. “Ngay cả làm thêm giờ thì mức lương trung bình của đăng kiểm viên cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, đăng kiểm viên bậc cao lương theo hệ số chức vụ, thâm niên công tác nhưng nói chung không cao…” - vị này cho hay.

Vì vậy, TTĐK này cho rằng cần phải điều chỉnh tăng giá dịch vụ kiểm định. Đặc biệt bổ sung mức giá dịch vụ kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu. “Hiện các TTĐK phải giải quyết việc lập hồ sơ và cấp tem kiểm định cho các xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu nhưng việc làm này được trả giá 0 đồng. Vì vậy, việc bổ sung kinh phí để giải quyết thủ tục này là hết sức cần thiết…” - lãnh đạo TTĐK này cho hay.

Do không có phí trong giải quyết thủ tục cho xe được miễn kiểm định lần đầu, mới đây TTĐK xe cơ giới 63-02D (Tiền Giang) cũng đề nghị Cục Đăng kiểm cho phép không thực hiện việc lập hồ sơ và cấp tem kiểm định cho các xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu tại TTĐK này.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xem xét ban hành quy định mới về giá kiểm định.

Cân nhắc thời gian tăng phí

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng việc Bộ GTVT đề xuất xem xét tăng phí ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Lý do là vì các xe, đặc biệt là xe kinh doanh vận tải chịu quá nhiều loại phí như phí BOT, phí bảo trì đường bộ… Cạnh đó, những ngày qua người dân phải khổ sở xếp hàng chờ 3-4 ngày mới được đăng kiểm. “Như vậy rõ ràng là ngành đăng kiểm chưa làm tốt công việc của mình, còn xảy ra tiêu cực, thậm chí là lợi ích nhóm… Giờ đề nghị tăng phí, tôi e rằng người dân, doanh nghiệp khó lòng ủng hộ” - ông Thủy nhận định.

Về thời điểm tăng giá dịch vụ kiểm định, theo ông Thủy thì chỉ xem xét khi hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường, người dân không phải xếp hàng chờ đợi.

Đối với mức tăng, vị chuyên gia này cho rằng cơ quan chức năng sẽ tính toán dựa vào các chi phí cấu thành giá ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc tăng giá dịch vụ cần phải xem xét ở nhiều góc độ, có thể đủ cơ sở tăng nhưng việc tăng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp thì chưa nên. “Chẳng hạn như giá điện, theo báo cáo của ngành điện đang lỗ nhưng Nhà nước chưa đồng ý tăng giá…” - ông Thủy dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc Cục Đăng kiểm đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe sau những sự cố vừa qua là dễ hiểu. Việc này để tăng thu nhập cho đăng kiểm viên nhằm thu hút nguồn nhân lực, hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng khi đề xuất tăng phí, cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra được các nguyên nhân tăng phí phù hợp, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Về việc bổ sung phí kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu, ông Quyền khẳng định cần phải xem xét. Vì hiện nay nhân lực hạn chế nhưng nhiều đơn vị đăng kiểm phải gồng mình giải quyết thủ tục miễn phí cho xe được miễn kiểm định lần đầu. “Còn mức phí ra sao, cơ quan chức năng phải tính toán…” - ông Quyền nói.•

Xe trượt đăng kiểm cao gây ùn tắc

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện tại tỉ lệ xe kiểm định định kỳ không đạt trong lần đầu rất cao (khoảng 35%-40%). Thậm chí có xe kiểm định lại đến sáu lượt mới đạt yêu cầu.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng tỉ lệ trượt kiểm định này đã làm gia tăng tình trạng ùn tắc, phát sinh không đáng có về chi phí và thời gian cho cả xe lẫn chủ xe, tạo thêm áp lực cho các TTĐK cũng như các xe khác khi đi đăng kiểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm