Biến hàng Việt bình dân thành hàng hiệu - Bài cuối

Bán nông sản đắt tiền phải như bán trang sức

Hàng loạt doanh nghiệp Việt đang nỗ lực biến những mặt hàng nông sản bình dân, giá rẻ thành hàng hiệu cao cấp với giá đắt phục vụ phân khúc thu nhập cao trong nước và xuất khẩu vào thị trường khó tính. Đây là tín hiệu cho thấy sự tự tin của nông sản “Made in Vietnam”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh câu chuyện trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nói: “Kinh doanh nông sản đã khó, nâng chất cao cấp nông sản càng khó hơn. Nhưng nếu biết cách tổ chức, kinh doanh sẽ đem lại bước chuyển mình lớn cho ngành nông nghiệp Việt”.

Dám đi con đường khác biệt là tín hiệu vui

. Phóng viên: Là người đã nhiều năm xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Mỹ và các nước, ông đánh giá thế nào về việc nâng chất nhiều nông sản Việt lên thành hàng hiệu cao cấp?

+ Ông Nguyễn Đình Tùng: Rõ ràng xu hướng kinh doanh hàng nông sản cao cấp là tín hiệu vui nên cần phát huy, tạo sức lan tỏa. Bởi vì điều này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng nông sản Việt mà còn tạo ra vị thế của người quyết định giá, không rơi vào cảnh bị ép giá.

Ông Nguyễn Đình Tùng

. Nhưng dường như các nhà kinh doanh Việt chậm chân so với các nước trong vấn đề này, thậm chí còn có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh như phá giá?

+ Có một câu chuyện mà tôi khá tâm đắc do một lãnh đạo Bộ NN&PTNT kể. Đó là câu chuyện về một ngã tư đường bên Mỹ. Tại ngã tư này có một người mở cây xăng để phục vụ giới chạy xe đường dài. Khu vực đó không có cây xăng nào nên người kinh doanh làm ăn phát đạt.

Một người khác thấy cây xăng làm ăn sung túc nhưng tài xế chỉ đổ xăng rồi đi luôn. Vậy là ông ta mở tiệm cà phê để tài xế nghỉ ngơi một chút trước khi đi tiếp. Ông cũng kinh doanh tốt. Một người khác nhìn thấy cơ hội làm ăn nên mở tiệm rửa xe trong thời gian tài xế nghỉ ngơi và làm ăn tốt.

Vì là nơi làm ăn phát đạt nên kéo nhiều người khác đến kinh doanh những dịch vụ khác nữa, từ từ hình thành khu phức hợp nhộn nhịp. Mỗi người một mảng kinh doanh, không ai giẫm đạp nhau để cạnh tranh và ai cũng kiếm ăn được.

Ngược lại, không ít nhà kinh doanh Việt thấy ông đầu tiên mở cây xăng làm ăn “ngon” quá, lập tức ông thứ hai cũng mở cây xăng đối diện, bán giá rẻ hơn một chút. Ông thứ ba cũng nhào vô mở cây xăng, bán giá rẻ hơn nữa. Và thế là ba ông thi nhau đạp giá xuống cho đến lúc không thể chịu đựng được nữa thì phát sinh ra nhiều hệ lụy khác như bán hàng kém chất lượng hay bớt xén trọng lượng.

Đó là tâm lý chung của nhiều người kinh doanh Việt, chỗ nào bán được thì nhảy vào bán, phá giá. Ngành nông nghiệp cũng tương tự như vậy. Do đó, những người dám đi con đường khác biệt là tín hiệu vui, vì họ vươn lên phân khúc cao mà ở đó không thể bán phá giá, chèn ép nhau khiến nông sản Việt mất cơ hội tăng giá trên thị trường.

hinh-tiep-thi-the-gioi_BFKI

Hàng nông sản Việt ngoài chất lượng tốt cần phải có bao bì đẹp, bắt mắt để thu hút người mua. Ảnh: QUANG HUY

Tính trung thực quyết định tất cả

. Theo ông, để tạo ra thương hiệu cao cấp cho nông sản Việt thì điều kiện gì quan trọng nhất?

+ Tôi nói ngay, đấy là tính trung thực. Tính trung thực quyết định tất cả. Anh làm cái gì cũng được nhưng phải làm đúng, bài bản, hiểu theo nghĩa nói được là phải làm được. Nhờ đó, sản phẩm sẽ có uy tín, thương hiệu.

Chẳng hạn, rất nhiều người thích sầu riêng nhưng không dám ăn vì sợ bị bơm thuốc, ngâm thuốc. Sự không trung thực của một số người kinh doanh bất chấp đạo đức đã tàn phá niềm tin người tiêu dùng.

Nhưng điều đáng mừng là vẫn luôn có nhiều người kinh doanh đàng hoàng, vì nếu không thì lấy đâu ra sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu qua Nhật, châu Âu, Mỹ… Đây là những nước có sự kiểm soát gắt gao về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Do đó, những ông chủ kinh doanh làm được và chứng minh được một sản phẩm chất lượng, đáng tin cậy thì người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mua với mức giá cao mà không đắn đo nhiều. Người tiêu dùng luôn có niềm tin vào nhà kinh doanh làm ăn trung thực.

. Vậy làm sao để xây dựng được một thương hiệu nông sản cao cấp mang tính bền vững, thưa ông?

+ Khi đã có nền móng vững chắc, chú tâm chăm sóc tốt cho nó thì không có gì đáng lo ngại. Thông thường các đối tác nước ngoài khi tìm hiểu nông sản của mình, họ hay hỏi về nền tảng nào làm ra được mặt hàng đó.

Điều này có nghĩa rằng họ muốn thăm dò mình có đủ năng lực hay không, nền móng mình có chắc chắn để xúc tiến kinh doanh hay không. Bởi vì sản phẩm làm ra cao cấp và càng đúng chuẩn càng tốt nhưng kèm theo đó phải đảm bảo duy trì sản lượng ổn định.

Chẳng hạn, làm hàng nông sản xuất khẩu cần đảm bảo vùng trồng, quy trình trồng, thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Rồi xây dựng nhà máy thì cần chứng chỉ HACCP và ISO cho cổng đầu vào nguyên liệu và cổng đầu ra thành phẩm.

Đốt cháy giai đoạn khó thành công

. Không ít công ty muốn ngay lập tức tạo ra nông sản cao cấp để bán trên thị trường khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Nếu làm được con đường tắt này thì quá tốt. Nhưng thực sự ít người có thể thành công theo cách này. Để vươn đến tầm cao nhất cần phải có một nền tảng vững chắc. Nền tảng đó là hãy chọn một phân khúc thấp để phục vụ trước, từ đó có khách hàng ổn, có nguồn thu tốt. Một khi đã có doanh thu, có lợi nhuận thì nâng cấp sản phẩm đó lên, nếu không sẽ gãy gánh giữa đường. Đây là con đường đi mà doanh nghiệp nên làm.

. Ông kỳ vọng ra sao khi ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp được chuẩn hóa ngon nhất, tốt nhất?

+ Tôi nhìn thấy một viễn cảnh tốt đúng với “Made in Vietnam”. Đây là những sản phẩm Việt Nam thực thụ, từ nền tảng nguyên liệu cho đến xây dựng thương hiệu đều từ Việt Nam chứ không phải gia công. Điều này có lợi cho mọi người Việt Nam. Đó cũng là cách lan tỏa cho chất lượng và thương hiệu sản phẩm Việt.

. Xin cám ơn ông.

Xu hướng kinh doanh hàng nông sản cao cấp là tín hiệu vui nên cần phát huy, tạo sức lan tỏa. Trong ảnh là dừa xiêm xuất khẩu. tượng- Ảnh: Quang Huy

Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:

Bán giá trị của sản phẩm

 Hiện nay mới có khoảng 20%-30% nông sản trong nước được chế biến xuất khẩu. Trong khi ở Đài Loan, gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung chủ động đẩy mạnh nông sản qua chế biến tạo ra giá trị gia tăng.

Để chuyển tư duy nông nghiệp là ngành sản xuất sang ngành kinh tế thì vai trò công nghệ sau thu hoạch rất lớn. Bởi giá trị gia tăng của việc phân loại, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến sâu... có khi còn tạo ra giá trị gấp đôi sản phẩm chính.

Chúng ta bán một sản phẩm tiên tiến, cao cấp là bán giá trị của chúng. Chúng ta cần tích hợp rất nhiều hàm lượng tri thức và công nghệ ở khâu chế biến nông sản.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Vinafruit:

Dừa Thái Lan vượt mặt dừa Việt Nam nhờ bao bì đẹp

Sản phẩm cao cấp được hiểu là đảm bảo chất lượng tốt từ bên ngoài đến bên trong. Tuy vậy, sự hơn nhau, vượt qua nhau có khi chính là mẫu mã bao bì.Thế nên đội ngũ làm bao bì phải tính toán chi tiết từ màu sắc đến chất liệu để khách hàng bị thu hút và mua vì quá đẹp.

Chẳng hạn, trái cây ngon, giá rất đắt nhưng để trần, thô kệch, khách hàng cũng dễ lướt qua. Ngược lại, nếu được trưng bày bắt mắt, ấn tượng, hay đóng trong những hộp bao bì đẹp mắt như trang sức thì dễ tạo sự chú ý cũng như khẳng định mạnh mẽ giá trị thương hiệu.

Tôi từng chứng kiến tại siêu thị Mỹ, cũng trái dừa uống nước nhưng dừa Thái Lan luôn cao giá và bán chạy hơn dừa Việt Nam. Thực ra chất lượng bên trong dừa Thái và dừa Việt không khác nhau về vị ngọt, độ thơm ngon. Vậy mà dừa Thái vượt mặt dừa Việt nhờ thiết kế bao bì đẹp và tiện lợi.

Cụ thể, họ lột bỏ hết phần vỏ cứng, để lộ ra phần mềm của quả dừa nhằm dễ dàng chọc vào để hút nước dừa. Họ không để quả dừa trần trên các kệ lạnh siêu thị mà đặt vào bao bì, bên ngoài có thiết kế hấp dẫn với nhiều màu sắc. Bên trong bao bì, họ còn đính kèm một mũi khoan nhựa và một ống hút.

Người tiêu dùng khi mua rất dễ sử dụng vì chỉ cần lấy mũi khoan tạo ra một lỗ nhỏ trên trái dừa, sau đó đặt ống hút vào lỗ khoan là có thể thưởng thức nước dừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm