Bóng đá TP.HCM từ lâu đã qua rồi cái thời “gạo châu củi quế” để cuốn theo guồng quay tiền bạc. Từ đó tiền chi phối tất cả, chi phối cả đội bóng. Nhưng điều đau khổ nhất làm những người vung tiền ra làm bóng đá ở Việt Nam ngán ngại là tiền chỉ đi ra và rất khó có thể đi về.
Cuộc tìm kiếm một nhà tài trợ đầy đủ tâm huyết và năng lực để bảo bọc cho CLB TP.HCM lên hạng mùa trước mùa này đá chuyên nghiệp cũng khá nhiêu khê. Và rồi cuối cùng “vị hoàng tử cưỡi bạch mã” cũng đã xuất hiện…
Một cái tên vật vã với nhiều thăng trầm
Công cuộc cách tân để đảm bảo sự tồn tại trong mùa giải đầu tiên đã được bắt đầu và gây ra không ít tranh cãi giữa tình và lý, giữa tính chuyên nghiệp và yếu tố bản sắc địa phương. Niềm tự hào của bóng đá Sài Gòn từ lâu đã biến mất. Thay vào đó người Sài Gòn đã miễn cưỡng mang giữ mặc cảm tự ti một cách khó chịu trong nhiều năm để trông chờ.
Cứ như vậy để rồi nhiều lần niềm hy vọng triền miên bị dập tắt bởi những thủ đoạn lừa lọc chỉ dành cho con trẻ. Họ nói là làm bóng đá với đủ mọi lời hứa hẹn. Họ thay nhau đến với các tên gọi mỹ miều mời gọi để rồi sau đó ra đi bằng những lý do giận dỗi vu vơ. Mất niềm tin đến độ giờ đây không ít người nghe nói rằng mùa bóng mới sắp bắt đầu có đội của người Sài Gòn, của người TP.HCM nhưng nhiều người cũng chỉ nhếch mép thả ra một câu đau xót “thấy rồi mới tin!”.
Bóng đá TP.HCM từng xin UBND TP.HCM chủ trương xây dựng CLB TP.HCM từ con người TP.HCM và bản sắc TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY
Những ai hâm mộ bóng đá TP.HCM lâu năm đều còn nhớ rằng đã từng có tới ba đội bóng lần lượt thay nhau mang cái tên CLB TP.HCM và đều xem cái tên đấy như một bửu bối của một TP kinh tế lớn nhất ắt đội bóng cũng có phần lớn. Đó là năm 2007, bầu Hưng tức ông Quách Thành Lai đã đăng ký đội bóng của mình bằng cái tên này khi cho đội Thành Long tham gia thi đấu ở giải hạng Nhì.
Hai năm sau đó, năm 2009 trên lộ trình đào thoát khỏi cuộc chơi tốn kém, nhà tài trợ chính của đội bóng Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn đã mua lại cái tên này từ bầu Hưng với giá 2 tỉ đồng (quá rẻ) và đổi tên để nghe cho có “mùi mặt trận” nhằm hy vọng dễ tìm nguồn tài trợ nhưng cuối cùng lại là “bỏ của chạy lấy người”.
Nạn nhân đau khổ của pha thoát hiểm vi diệu này là ông Nguyễn Chí Kiên, người đã gồng mình lên chịu phận “rau răm ở lại” để cuối cùng tự biến mình thành “cha của chúa chổm” sau vài năm điều hành CLB TP.HCM.
Rồi đội bóng này cũng “thăng thiên” ngay khi rớt hạng Nhất xuống hạng Nhì mùa 2013.
Gần cuối mùa giải hạng Nhất 2016, đội bóng lần thứ ba mang tên CLB TP.HCM được thăng hạng trước ba vòng đấu. Trước mùa giải mới, đội bóng này thể hiện một cách chắc chắn hơn cả hai đội bóng trước về mặt tài chính nhưng chưa thể chứng minh sự vượt trội về kinh nghiệm quản lý chuyên môn. Và quan trọng hơn hết là khả năng thu phục lòng người cũng còn mơ hồ vì những lùm xùm quanh chuyện bản sắc.
Thế nên bây giờ khi nghe nói có đội bóng mới, có cách làm mới rình rang thì nhiều người vẫn đánh dấu hỏi: “Rồi đây hình ảnh nào sẽ được trình bày trên các khán đài của sân Thống Nhất?”.
Đi tìm bản sắc của đội bóng trong thời kim tiền
Hãy nhớ lại rằng những gì đang và sắp diễn ra ở sân Thống Nhất đã từng diễn ra tại sân Bình Dương. Ngày ấy, với tham vọng tìm kiếm một hình ảnh khán đài đông đúc cuồng nhiệt, đội bóng đất Thủ đã mang về một loạt tên tuổi nhằm thu hút lượng cổ động viên với số đông là những người làm lụng ở các khu công nghiệp quanh đất Thủ. Nhưng rồi “hiệu quả tự biến thành hệ quả” với một khán đài thừa chỗ nằm bằng chính sự khước từ nhìn nhận của người dân bản địa.
Hy vọng không đồng nghĩa với tham vọng. Thứ hy vọng dựa dẫm chắc chắn vào những cơ sở thiếu thuyết phục. Và thứ hy vọng để hóa thân thoát kiếp một đội bóng mang tên một địa phương dù làm bóng hay làm mới cách nào, dù ồn ào và nhiều tiền đến đâu cũng không thể lái đội bóng đi theo kiểu là đội bóng của riêng ai.
Cái tên TP.HCM gắn vào đội bóng sự tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của những người mang cái tên đấy. Tức là phải sống và thể hiện sao cho xứng với người dân TP.HCM. Đơn giản vì nó được xem là một phần của TP.HCM. Đội bóng mà người dân TP.HCM được quyền ôm ấp khi đồng hành cùng đội bóng trên mọi nẻo đường chinh chiến. Đội bóng mà người TP.HCM muốn được ngắm nhìn như một đứa con của mình từng mang nặng đẻ đau như cái cách trân trọng với đội Cảng Sài Gòn, với đội Hải quan, Sở Công nghiệp hay Công an TP.HCM ngày nào.
Chia sẻ với kiểu hóa thân vội vàng vì cần phát triển một cách chuyên nghiệp nhưng cũng cần biết rằng bản sắc mới thu về một thứ lãi lớn đó là lòng người.
Lại nhớ đến câu nói mà người Sài Gòn rất ngạc nhiên khi ra Hà Nội và thường nghe những bác xe ôm “dạy”: “Muốn nhanh thì phải từ từ”.