Chị Lê Thị Châu (Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ về việc bánh Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc để một năm vẫn không có dấu hiệu bị nấm mốc. Điều này khiến chị khá bất ngờ.
Chiếc bánh Trung thu có dòng chữ Trung Quốc của chị Châu đã để một năm song không có dấu hiệu nấm mốc. Ảnh: Nguyên Hà
Chị Châu cho hay vào đợt Trung thu năm 2018, chị có mua một số loại bánh Trung thu với giá 3.000 đồng/cái của một người trên Facebook, tuy nhiên khi mua về, vì chị lo sợ chất lượng không đảm bảo nên gia đình chị đã không sử dụng.
“Bánh tôi mua từ năm 2018, về không sử dụng nên cũng bỏ đi. Hôm nay dọn tủ bếp thì phát hiện còn sót lại một chiếc bánh, xem bên ngoài thì chiếc bánh này không hề có dấu hiệu hư hỏng gì” - chị Châu chia sẻ.
Theo quan sát, những thông tin trên chiếc bánh đều đề các dòng chữ Trung Quốc, trên bao bì chỉ hiện thị các con số 2018.07.26.04 mà không nêu rõ đây là hạn sử dụng hay ngày sản xuất. Phía bên trong bánh không có dấu hiệu mốc, phần vỏ bánh trở nên cứng và mùi hăng hắc.
Phía bên trong bánh, theo cảm quan, nhân đậu đỏ và trứng muối vẫn còn mùi thơm đặc trưng. Ảnh: N.Hà
“Tôi khá bất ngờ vì bánh để một năm rồi nhưng không khác so với bánh khi vừa mới mua là bao. Không biết là do chất bảo quản hay sao” - chị Châu bày tỏ quan điểm.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo bánh Trung thu đã hết hạn sử dụng dù còn tươi mới đến đâu cũng không nên sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo vị chuyên gia, thông thường bánh Trung thu thường có hạn sử dụng nhiều nhất là khoảng ba tháng tùy vào nhà sản xuất và 3-7 ngày (bảo quản môi trường tủ lạnh) đối với bánh Trung thu tự làm. Việc bánh bảo quản được trong thời gian dài, không phải nằm ở lý do bánh chứa nhiều chất bảo quản, mặc dù đây là chất nhằm ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
“Một chiếc bánh Trung thu được sản xuất an toàn và hợp vệ sinh, có gói hút oxy đầy đủ thì thời hạn sử dụng được lâu và duy trì được độ tươi ngon. Tuy nhiên cũng nên cẩn trọng với những loại bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, vì những loại bánh này không có bất cứ chứng nhận nào về độ an toàn thực phẩm”.
Mới đây, TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, chia sẻ trên VNExpress, lý giải nguyên nhân bánh Trung thu đã hết hạn nhưng không bị nấm mốc. Ông cho biết dù bánh còn hạn sử dụng nhưng nếu bao bì bị rách, nứt, không đảm bảo điều kiện yếm khí thì nấm mốc sẽ phát triển. Ngược lại, có những bánh Trung thu đã hết hạn sử dụng nhưng do bao bì của bánh vẫn còn nguyên, gói hút ôxy có đủ khả năng để giữ môi trường yếm khí nên nấm mốc không thể phát triển. Song TS Từ Ngữ cũng bày tỏ quan điểm, bánh đã hết hạn, người tiêu dùng nên vứt bỏ bởi chúng bị lão hóa và không đủ điều kiện để sử dụng.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng thông tin thêm, hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại bánh tự làm (handmade - PV), người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng. Bởi khi làm thủ công nếu không nắm rõ quy trình và liều lượng nguyên liệu cũng như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn như nấm mốc, ký sinh trùng hay nhiễm hóa chất độc hại như kháng sinh cấm, chất tăng trọng... Do đó, theo vị chuyên gia này, khi mua bánh handmade, người dùng cần phải chú ý hơn về hạn sử dụng, bao bì, màu sắc… và chọn nơi uy tín để mua hàng.
“Bánh làm thủ công chắc chắn điều kiện bảo quản không được như các nhà sản xuất có dây chuyền hiện đại, chưa kể điều kiện nơi chế biến, dụng cụ chế biến, sức khỏe người làm… đều có thể chứa các tác nhân không đảm bảo vệ sinh thực phẩm” - PGS-TS Thịnh lưu ý.
Cách chọn bánh Trung thu Bánh Trung thu ngon, còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt. Nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Không mua, không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế |