Bảo vệ thanh danh, tự tôn nghề nghiệp thừa phát lại

(PLO)- Ngày 8-5 tới là hạn cuối cùng của thủ tục lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, trao quyền tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự.

Với tính chất là một nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong thi hành án dân sự, nên ngoài các quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật, thừa phát lại cũng cần phải tự ràng buộc mình bởi các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Theo hướng đấy, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến xã hội dự thảo thông tư về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại.

Bảo mật thông tin khách hàng

Theo dự thảo đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ở phần quy tắc chung, thừa phát lại phải đảm bảo tính độc lập, chặt chẽ trong công việc.

Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, thừa phát lại giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức; thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này.

Trong hoạt động nghề nghiệp, thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề thừa phát lại, thanh danh nghề nghiệp. Thừa phát lại ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, của người yêu cầu dịch vụ và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

Đi vào các nội dung cụ thể, dự thảo Quy tắc đạo đức yêu cầu thừa phát lại có trách nhiệm bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc; đối xử bình đẳng giữa những người có yêu cầu dịch vụ, không phân biệt khả năng tài chính; thu đúng, thu đủ và công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận.

Dự thảo liệt kê 14 nhóm hành vi thừa phát lại không được làm, như: Sách nhiễu, gây phiền hà cho người yêu cầu; nhận, đòi hỏi thêm lợi ích ngoài chi phí đã ghi nhận trong hợp đồng; thực hiện các yêu cầu có mục đích, nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức; lập vi bằng có liên quan lợi ích giữa mình và người yêu cầu; trả hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu, người môi giới…

Dự thảo cũng quy định một số quy tắc đạo đức trong mối quan hệ giữa thừa phát lại với cơ quan thi hành án dân sự, VKSND, TAND cũng như các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác.

Thiết chế bổ trợ tư pháp non trẻ

Nghề thừa phát được ghi nhận lần đầu tiên năm 2005, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020. Trên cơ sở đó, năm 2008, khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự được nâng lên thành Luật, Quốc hội ra Nghị quyết 24 về việc thi hành Luật này thì mới chính thức hóa về mặt pháp lý, cho phép thí điểm mô hình thừa phát lại.

Từ kết quả thí điểm ở TP.HCM và một số địa phương sau đó, năm 2015, Quốc hội ra Nghị quyết 107 cho phép thực hiện chế định thừa phát lại trên phạm vi cả nước, có tính tới việc sẽ ban hành Luật Thừa phát lại.

Trong lúc đợi thực tiễn chín muồi để xây dựng luật, đầu năm 2020, trên cơ sở các nghị định trước đây về thí điểm thừa phát lại, Chính phủ ban hành Nghị định 08, quy định toàn diện về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, trong đó có yêu cầu Bộ Tư pháp ban hành thông tư về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại.

Khi được ban hành, đây sẽ là bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp thứ ba trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Trước đó, nghề luật sư, nghề công chứng đã có quy tắc nghề nghiệp riêng của mình.

Tài liệu liên quan đến dự thảo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại cùng địa chỉ góp ý Ở ĐÂY.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm