Bất động sản công nghiệp 'méo mặt' vì cắt điện đột ngột

(PLO)- Tình trạng cắt điện luân phiên ở một số địa phương trong thời gian vừa qua đã đẩy nhà đầu tư bất động sản công nghiệp phải tính toán đến việc đi tìm vùng đất mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù tình hình cung cấp điện cơ bản được đảm bảo từ cuối tháng 6 nhưng việc cắt điện luân phiên trong thời gian vừa qua tại một số tỉnh, khu vực phía Bắc đã đặt ra thách thức đáng kể cho lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp, chế xuất tại các tỉnh trọng điểm.

Bài toán năng lượng của bất động sản công nghiệp

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Savills Hà Nội: “Tình trạng cắt điện luân phiên có thể dẫn đến làn sóng đầu tư tại các tỉnh nhóm 2, khi khách thuê lẫn nhà đầu tư có kế hoạch di dời nhà máy sản xuất sang các khu vực khác.

Thực trạng này cho thấy việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng truyền tải năng lượng tái tạo cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”.

Bất động sản công nghiệp lĩnh vực linh kiện điện tử, ngành dệt may ở một số tỉnh phía Bắc đang được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm.

Bất động sản công nghiệp lĩnh vực linh kiện điện tử, ngành dệt may ở một số tỉnh phía Bắc đang được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm.

“Việc cắt điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các tỉnh chủ lực về công nghiệp tại khu vực phía Bắc, gây ngừng trệ sản xuất, không kịp tiến độ giao hàng.

Mặc dù một số khu công nghiệp, chế xuất hiện đại được trang bị hệ thống điện dự phòng nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại ngắn hạn về tần suất cắt giảm điện tiềm ẩn” - Thomas nói.

Sự gián đoạn trong sản xuất đã tác động trực tiếp đến năng suất và lợi nhuận chung của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Cắt điện dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho khách thuê và các nhà máy sản xuất.

Việc buộc phải ngừng hoạt động vì cắt điện đột ngột có thể dẫn tới hư hỏng thiết bị sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, đơn đặt hàng bị trì hoãn, gây ra các chi phí phát sinh, đồng thời sẽ tác động đến doanh thu lâu dài và tính bền vững của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt bị ảnh hưởng vì họ thường thiếu nguồn lực để đối phó với những gián đoạn như vậy.

“Điều này có thể khiến khách thuê và các nhà đầu tư xem xét làn sóng mới hấp dẫn tại các tỉnh nhóm 2 như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định cho chiến lược đầu tư và di dời của mình” - ông Thomas cho biết.

Bất động sản công nghiệp nào đắt hàng trong năm 2023?

Theo Cục Đầu Tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bốn tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ là các ngành dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Ông Thomas Rooney nêu quan điểm: Hiện nay, các thị trường nhóm 2 có sức hấp thụ bất động sản công nghiệp khá tốt nhờ lợi thế cạnh tranh lớn và được chào thuê với mức giá cạnh tranh hơn so với khu vực đô thị lớn khác. Ngoài ra, quỹ đất sẵn có giúp khách thuê có nhiều sự lựa chọn hơn.

Ngoài nhà xưởng xây sẵn vẫn đang dẫn đầu về nhu cầu, lĩnh vực kho lạnh đang trong tình trạng rất khan hàng. Bởi lẽ, Việt Nam có thị trường thủy sản cực kỳ tiềm năng nhưng dự án kho lạnh lại ở mức thấp.

Nguồn cung dự án kho lạnh thấp được lý giải bởi mức đầu tư xây dựng cho kho lạnh rất tốn kém do yêu cầu cao về hạng mục kỹ thuật, cơ khí, điện, hệ thống ống, phòng lạnh, phòng cháy chữa cháy. Do đó, chỉ có số ít nhà đầu tư có tiềm lực lớn mới có thể đáp ứng được những điều kiện này.

“Nhóm ngành có nhu cầu cao đối với bất động sản công nghiệp có thể kể đến như linh kiện điện tử, dệt may đang tăng trưởng trở lại ở miền Bắc. Ngoài ra thị trường cũng ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất thiết bị biến tần năng lượng mặt trời và pin mặt trời đến từ Trung Quốc và Đài Loan” - ông Thomas nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm