Bất ngờ phiên xử bà Dương Thị Bạch Diệp

Sáng 17-3, phiên xử sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng tám đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu đất vàng Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM phải tạm nghỉ. Lý do là tòa gặp sự cố liên quan đến phản ứng của bị cáo - nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị cáo buộc tội lừa đảo).

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại tòa vào sáng 17-3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lập “biên bản ghi nhận sự kiện pháp lý”

Theo đó, khi tòa đang công bố lời khai của bà Diệp, bà này đã lớn tiếng phản đối, tỏ ra mất bình tĩnh. Chủ tọa yêu cầu lực lượng chức năng đưa bị cáo Diệp ra khỏi phòng xử án, đồng thời cho biết cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý nghiêm hành vi gây rối trật tự phiên tòa. 

Trở lại làm việc, HĐXX yêu cầu bộ phận y tế kiểm tra nhanh tình trạng sức khỏe của bị cáo Diệp. Bác sĩ trả lời tình trạng sức khỏe của bị cáo đã tạm ổn nhưng cần nghỉ ngơi, theo dõi thêm.

Tòa thông báo tiến hành ghi nhận sự kiện pháp lý bà Diệp gây rối tại phiên tòa. Cụ thể, trong lúc chủ tọa công bố lời khai của bị cáo Diệp và một cá nhân khác được lưu giữ trong hồ sơ vụ án, thu thập theo trình tự tố tụng hình sự thì bị cáo Diệp có thái độ phản đối. Bị cáo khẳng định bản khai đó là ngụy tạo, giả mạo. Chủ tọa yêu cầu giữ trật tự nhưng bị cáo không chấp hành. Bị cáo cho rằng chủ tọa thiên vị, muốn buộc tội. Bị cáo tự ý tiến tới bục khai báo, la hét và tiếp tục phản đối chủ tọa công bố lời khai dù lực lượng dẫn giải đã ngăn cản. Do đó, HĐXX yêu cầu lực lượng dẫn giải đưa bị cáo ra ngoài khu vực phòng xử án.

Chủ tọa cho rằng việc này là nhằm đảm bảo đúng trình tự tố tụng hình sự. Để đảm bảo khách quan, biên bản này tòa yêu cầu ngoài HĐXX, VKS, đại diện dẫn giải thì vài luật sư đại diện ký. 

Theo tòa, HĐXX ghi nhận rất đầy đủ diễn biến sự việc. Với trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, chủ tọa mong các luật sư cộng tác, ký ghi nhận sự kiện này. Nếu thấy rằng HĐXX ghi nhận chưa đúng, luật sư ghi đúng ý kiến chủ quan của bản thân vào biên bản. Lập biên bản ghi nhận sự kiện pháp lý làm tiền đề, kinh nghiệm xử lý những vụ việc tương tự. 

Các luật sư không ký vào biên bản

Luật sư bào chữa cho bị cáo Diệp nói rằng luật sư tôn trọng quyết định của HĐXX nhưng vì lý do nghề nghiệp, ông xin không ký vào biên bản. Luật sư nhận thấy bị cáo phản ứng căng thẳng nhưng nếu nói thân chủ ông làm mất trật tự rồi lập biên bản vi phạm tại tòa thì cần xem lại. Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc thêm.

Cạnh đó, luật sư nói vừa qua trại giam T17 đã đưa bà Diệp đi khám bệnh, phát hiện bà mắc thêm bệnh tim và cho toa thuốc điều trị. Trước diễn biến mới phát sinh, luật sư đề nghị HĐXX và đại diện VKS cho dừng phiên tòa, có biện pháp kiểm tra sức khỏe để đảm bảo quyền lợi của bà Diệp cho đến khi bà hồi phục.

HĐXX tiếp tục lấy chữ ký của những người chứng kiến sự việc. Một luật sư của bị cáo Nguyễn Thành Tài cũng không ký vào biên bản. Theo ông, biên bản có sự xác nhận của các cơ quan tố tụng nhưng tương tự như đồng nghiệp, ông cũng không ký vì việc ấy có thể phát sinh các quan hệ ngoài phạm vi công việc, nghề nghiệp của ông tại phiên tòa

Chủ tọa cho rằng đây là một sự kiện công khai nên đề nghị bị cáo Nguyễn Thành Tài, đại diện UBND TP.HCM ký… Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến luật sư, bị cáo Tài chỉ thừa nhận bằng lời để tòa ghi nhận trong biên bản (tức bị cáo không ký vào biên bản).

Đại diện UBND TP.HCM cũng cho rằng việc này ngoài phạm vi được ủy quyền nên người này cũng không ký vào biên bản.

Một luật sư lớn tuổi được tòa mời ký vào biên bản. Sau khi đọc qua, ông cho rằng biên bản này ghi nhận sự kiện nhưng không nêu rõ lý do tại sao bà Diệp lại phản ứng như vậy. Theo ông, việc bức xúc của bà Diệp có nguyên nhân. Các bút lục tòa công bố được ghi nhận khi không có luật sư tham dự, sau đó mời luật sư hợp thức hóa toàn bộ lời khai này nên bà Diệp bức xúc… Cuối cùng, luật sư này cũng không ký vào biên bản.

HĐXX quyết định tạm dừng phiên xử năm ngày và tiếp tục vào ngày 22-3.

Bà Diệp bị truy tố khung hình phạt đến chung thân

Trong vụ án này, bà Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (khung hình phạt 12-20 năm hoặc tù chung thân). Bà bị cáo buộc đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại nhà đất 185 Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỉ đồng…

Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (khung hình phạt 3-12 năm tù). Tương tự, các ông Vi Nhật Tảo (giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM), Trần Nam Trang (cựu phó giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Thành Rum (cựu giám đốc Sở VH-TT&DL), Lê Tôn Thanh (cựu phó giám đốc Sở VH-TT&DL), Đào Anh Kiệt và Nguyễn Thanh Nhàn (cựu giám đốc và phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Huỳnh Kim Phát và Lê Văn Thanh (cùng là cựu phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm