Bế tắc giao thông, Đà Nẵng xây hầm qua sông Hàn?

“Tới đây, Ban Thường vụ sẽ tiếp tục họp phiên thứ tư để nghe phương án tài chính về công trình vượt sông Hàn. Việc xây hầm hay cầu đã được xin ý kiến từng thành viên Ban Thường vụ và đa số thống nhất xây hầm”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thông tin như trên trong buổi họp báo cuối năm của TP Đà Nẵng sáng 21-12.

TP đã tính rất kỹ

Trước đó, tại buổi họp báo, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay lượng phương tiện giao thông tại TP tăng rất nhanh, không quản lý được… nên cần thiết phải xây dựng công trình vượt sông. Về việc xây hầm, qua nhiều cuộc hội thảo, góp ý, có hai phương án được đưa ra khi làm hầm là hầm thẳng hay cong. Phương án hầm đi thẳng thì nối từ đường Đống Đa qua Sơn Trà nhưng cần phải giải tỏa 210 hộ dân. Còn phương án hầm cong thì đi từ đường Như Nguyệt qua Sơn Trà sẽ tránh  được giải tỏa nhưng lại hạn chế về phân luồng giao thông. Đến nay TP vẫn chưa chọn phương án hầm thẳng hay cong.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết hiện có hai luồng ý kiến là làm cầu và làm hầm. Lãnh đạo TP sẽ cân nhắc để tự đưa ra quyết định.

Khu vực sông Hàn được lựa chọn để xây hầm. Ảnh: LÊ PHI

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng khá bức xúc trước nhận định của một số chuyên gia về việc chủ trương xây hầm là vội vã. Ông khẳng định lãnh đạo TP đã chuẩn bị rất kỹ. Chủ trương có từ tháng 10-2015, họp Ban Thường vụ ba phiên, 4-5 tháng lại họp một lần. Tuần sau UBND TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục báo cáo với Thành ủy về các bước tiếp theo...

“Hãy để cho chúng tôi có thẩm quyền được quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Chúng tôi có trách nhiệm, các cơ quan của TP có đủ năng lực để tự quyết định nên làm gì” - ông Anh thẳng thắn nói.

Xây hầm là tầm nhìn dài hạn

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói thêm ông với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, không có tác động nào đến việc chọn hầm hay cầu. Tuy nhiên, ông nhìn nhận chủ trương xây hầm là tầm nhìn dài hạn. Để xây xong hầm phải mất 5-7 năm, khi đó có khi nhiều anh em cán bộ TP đã nghỉ hưu. Việc xây dựng hầm là định hướng hạ tầng đi trước một bước của TP khi số lượng ô tô hiện tại tăng 12% và xe máy tăng 8%/năm (hiện có khoảng 1,1 triệu xe máy và 88.000 ô tô).

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng chọn xây hầm vì làm cầu sẽ che chắn hết mặt sông, sau này không khai thác được các bến du thuyền, tổ chức các lễ hội thuyền buồm, không có chỗ neo đậu tàu thuyền du lịch… Ngoài ra, khi làm cầu thì khó xử lý vấn đề giao thông cho bờ tây. Còn làm hầm cong hay thẳng, độ dốc ra sao… TP sẽ tính tiếp.

Không lo không quản được chất lượng hầm

Trước lo ngại về không lường trước được khi làm hầm, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết nếu xây hầm nằm ở dưới mực nước sông tới 18 m và trên nền bùn lầy, địa chất yếu thì khó quản lý được chất lượng. Tuy nhiên, khi khảo sát địa chất tại khu vực dự định xây hầm qua sông Hàn, đơn vị chức năng thấy khu vực này có nền cát, mực nước sông không sâu nên hoàn toàn kiểm soát được chất lượng. Ngoài ra, với công nghệ xây dựng hầm hiện nay cũng không lo là chất lượng hầm sẽ thấp.

Trước đây, khi TP bắt tay vào làm cầu Rồng dư luận cũng phản ứng và cho rằng không cần thiết. Nhưng hiện nay nếu không có cầu Rồng thì không biết làm sao để giảm ùn tắc. Thời gian tới, dự kiến dân số TP khoảng 2,5-3 triệu dân. Với đà tăng dân số, khách du lịch và các phương tiện giao thông hiện nay thì 10 năm nữa TP không biết phải giải quyết sao về bài toán giao thông. Như vậy, việc xây thêm công trình vượt sông Hàn nữa là hợp lý.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng HUỲNH ĐỨC THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm