Hơn sáu năm trước, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đưa vào sử dụng. Con đường đi bộ này nối ra bến Bạch Đằng. Du khách bước ra hóng mát từ sông Sài Gòn thì gặp ngay rác thải và lục bình vướng ngập các trụ cột tại bến sông Bạch Đằng. Năm đó tôi có phản ánh qua một bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Hình ảnh rác nổi lềnh bềnh ở Công viên Bạch Đằng cách đây 6 năm. Ảnh: MINH THANH |
Gần đây, bến Bạch Đằng được cải tạo khang trang, sạch đẹp và phối cảnh tinh tế hơn, thu hút nhiều người đến tham quan. Dưới bến vẫn đầy lục bình và rác tụ lại.
Mặc dù Trung tâm điều phối Ga tàu Cao tốc Bạch Đằng có sử dụng các dây phao nổi ngăn lục bình nhưng phạm vi rất nhỏ, chủ yếu xung quanh cổng đón du khách và phía trước không gian đi bộ sát mặt đường Tôn Đức Thắng. Do đó, lục bình và rác vẫn trôi vào và đọng lại lâu ngày ở quanh bến.
Và hình ảnh thường thấy hiện nay ở Ga tàu cao tốc Bạch Đằng. Ảnh: MINH THANH |
Bên cạnh lục bình, nhiều loại rác sinh hoạt đọng lại lâu ngày gây hôi thối, mất mỹ quan đô thị. Ảnh: MINH THANH |
Theo tôi, để giải quyết việc rác và lục bình trôi nổi rồi bám xung quanh bến Bạch Đằng thì cần có nhiều hơn nữa dây phao nổi di động theo thủy triều, ngăn toàn bộ lục bình và rác hỗn tạp trôi vào bến. Như vậy, dù thủy triều có lên hay xuống thì phao nổi cũng ngăn được rác tụ lại trong khu vực bến cảng.
Còn phía trong bên sát bờ, nếu có rác thì nhân viên vệ sinh chỉ cần vớt đi là sạch bến, chỉ có như vậy mới giúp cân đối vẻ đẹp của cảnh quan trung tâm thành phố giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ - bến Bạch Đằng và tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo.